vĐồng tin tức tài chính 365

Tự chủ đại học và học phí: Nguồn thu đại học các nước đến từ đâu?

2022-08-17 07:10
Tự chủ đại học và học phí: Nguồn thu đại học các nước đến từ đâu? - Ảnh 1.

Trường ĐH cần đa dạng nguồn thu để giảm gánh nặng học phí cho sinh viên. Trong ảnh: sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong một giờ học thực hành - Ảnh: NGỌC NGA

Tuổi Trẻ ghi ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, giảng viên đang làm việc tại các trường ĐH trên thế giới về chủ đề này.

GS NGUYỄN VĂN TUẤN (ĐH New South Wales, Úc):

Nhà nước hỗ trợ tài chính ĐH

Ở Úc, các ĐH có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học theo chiến lược mà chính phủ hoạch định. Do đó, nguồn thu nhập chính của các ĐH Úc là từ tài trợ của chính phủ liên bang, và số tài trợ cho mỗi ĐH tùy thuộc vào số sinh viên mà ĐH thu nhận mỗi năm.

Chẳng hạn như năm 2020, các ĐH Úc có tổng thu nhập là 34,6 tỉ đôla Úc, trong số này 12,1 tỉ đôla (gần 35%) là tài trợ của chính phủ cho việc đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh. Số còn lại là học phí từ sinh viên nước ngoài (9,2 tỉ đôla), học phí sinh viên nội địa (khoảng 6 tỉ đôla), tư vấn cho kỹ nghệ (2 tỉ đôla), các nguồn thu nhập từ tài trợ cho nghiên cứu khoa học và tiền lời từ đầu tư tài sản và tài chính (gần 1 tỉ đôla).

Học phí là do chính phủ liên bang ấn định, nên ĐH không có quyền tăng hay giảm. Cứ mỗi hai năm, các ĐH quy tụ với nhau và gây áp lực lên chính phủ nên điều chỉnh học phí để phù hợp với lạm phát, nhưng chính phủ thì rất cẩn thận trong việc này vì liên quan đến việc bầu cử. Tuy vậy, chính phủ lúc nào cũng có các chương trình hỗ trợ cho sinh viên. Có nhiều sinh viên không có khả năng tài chính thì chính phủ đứng ra "cho vay" và khi sinh viên tốt nghiệp, họ có thể trả dần dần. Nói chung, học phí cho sinh viên nội địa không cao so với thu nhập bình quân ở Úc. Chẳng hạn như để theo học chương trình bác sĩ y khoa, học phí cho sinh viên nội địa khoảng 10.000 đôla mỗi năm (còn cho sinh viên nước ngoài thì khoảng 50.000 - 70.000 đôla mỗi năm).

Tôi ngạc nhiên khi biết nguồn thu nhập chính của ĐH ở Việt Nam là từ học phí của sinh viên. Tôi nghĩ ĐH là một thiết chế của nhà nước có nhiệm vụ đào tạo nhân tài, thì nhà nước phải có trách nhiệm tài trợ cho ĐH ở một mức độ thích hợp. Dĩ nhiên, ĐH vẫn phải thu học phí từ sinh viên, nhưng tôi vẫn nghĩ không nên đẩy tất cả gánh nặng tài chính vào sinh viên, vì đa số sinh viên Việt Nam xuất thân từ các gia đình nghèo.

Tôi nghĩ với cơ chế hiện nay, các ĐH rất khó đa dạng hóa nguồn thu nhập. Chẳng hạn như các ĐH khó có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán. Còn nguồn thu nhập từ nghiên cứu khoa học và tư vấn cho kỹ nghệ thì tôi nghĩ chẳng là bao. Do đó, nhà nước phải tài trợ cho các ĐH, còn tài trợ theo mô hình nào, công thức nào thì đòi hỏi phải có nghiên cứu cẩn thận.

GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH (ĐH Utah, Hoa Kỳ):

Học phí chỉ chiếm 20% doanh thu

Không như các ĐH Việt Nam, nguồn thu của các trường ĐH Hoa Kỳ đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó học phí chỉ là một phần. Các loại doanh thu bao gồm học phí, ngân sách hỗ trợ của chính phủ và tiểu bang, từ các khoản tài trợ từ tư nhân, lợi tức đầu tư... Ở các trường công, thông thường các hỗ trợ từ chính phủ, tiểu bang và chính quyền địa phương chiếm hơn 50% tổng doanh thu. Nguồn thu từ học phí chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu của trường.

Đối với các trường tư, các khoản tài trợ và trao tặng chiếm phần lớn doanh thu của trường. Nguồn thu cho các trường ĐH tư tăng trưởng khá ổn định, trong đó có nguồn từ học phí, tài trợ liên bang. Doanh thu từ học phí của trường tư rơi vào khoảng 30 - 40% tổng doanh thu của trường. Ở Mỹ, không chỉ trường công mà trường tư cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ và chính quyền tiểu bang, địa phương. Rất nhiều trong số này đến dưới dạng trợ cấp và các hợp đồng.

Các trường ĐH Việt Nam cũng có thể đa dạng nguồn thu của mình nhưng phải biết cách vượt qua cái khó vì hiện tại các ĐH chỉ biết tìm doanh thu từ học phí là chính.

"Để học phí không đè nặng người học"

Đây là chủ đề của tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 18-8, với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường ĐH. Tọa đàm nhằm chia sẻ các giải pháp tăng nguồn thu cho các trường từ các hoạt động ngoài học phí để giảm áp lực lên việc tăng học phí, giảm gánh nặng tài chính cho người học cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên. Từ bây giờ, bạn đọc có thể email tới giaoduc@tuoitre.com.vn để đặt câu hỏi hoặc chia sẻ quan điểm, góc nhìn, giải pháp với các khách mời của tọa đàm.

ThS LÊ THIÊN TÂM (ĐH Otago, New Zealand):

Nhà nước kiểm soát việc tăng học phí

Các trường ĐH New Zealand có nguồn thu khá đa dạng bao gồm hỗ trợ từ chính phủ, học phí từ sinh viên trong nước và quốc tế, tài trợ nghiên cứu, các hoạt động thương mại... Theo thống kê của Universities New Zealand - tổ chức đại diện cho 8 trường ĐH của New Zealand, 42% thu nhập của các trường ĐH là từ chính phủ thông qua trợ cấp học phí, 28% từ sinh viên thông qua học phí, 30% từ nghiên cứu khoa học, thương mại hóa và doanh thu khác.

Bên cạnh trợ cấp từ chính phủ, các trường ĐH đã tiếp tục mở rộng nghiên cứu và kết nối ngành, đa dạng hóa nguồn thu nhập hơn nữa, tăng thu nhập từ nghiên cứu và thương mại hóa, doanh thu từ các hoạt động thương mại liên kết. Bộ Giáo dục ĐH, kỹ năng và việc làm giới hạn bất kỳ khoản tăng nào đối với học phí sinh viên trong nước. Năm 2021, mức tăng tối đa được quy định là 1,1%.

Tránh xu hướng nhà trường tối đa hóa lợi nhuận

Theo kết quả nghiên cứu về tự chủ tài chính công bố năm 2018 của GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - đi kèm với các chính sách cắt giảm nguồn tài trợ, chính phủ các quốc gia châu Á cũng nới lỏng các quy định về nguồn thu để tạo điều kiện cho trường ĐH tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn thu. Tuy nhiên, chính phủ các quốc gia châu Á chưa thực sự mở rộng chính sách thu học phí cho trường ĐH mà vẫn còn những quy định khá chặt chẽ và thậm chí là áp dụng trần học phí. Nguyên nhân là họ sợ các trường ĐH vận hành hoạt động theo cơ chế thị trường với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà xa rời các mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nền kinh tế.

ngay hoii xxx 1(Read-Only)

Học phí luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của học sinh, phụ huynh khi tham gia Ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2022 của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: MINH DUY

Các trường ĐH Trung Quốc tìm kiếm các nguồn thu tư nhân từ cựu sinh viên, tài trợ của xã hội, học phí và hợp đồng nghiên cứu khoa học. Kết quả là trong giai đoạn 2000 - 2008, tỉ trọng của nguồn thu tư nhân trên tổng nguồn thu của các trường ĐH ở Trung Quốc tăng từ 34,8% lên thành 49,2%; phần còn lại của nguồn thu (50,8%) được tài trợ bởi chính phủ, trong đó có một phần từ chính quyền địa phương.

Với Nhật Bản, vào năm 2004, các trường ĐH quốc gia được chuyển đổi thành các công ty cổ phần ĐH quốc gia. Theo đó, trường ĐH trở thành một pháp nhân độc lập và hoạt động quản lý tài chính của các trường này chuyển từ cơ chế kiểm soát chi tiêu dựa trên tiền mặt truyền thống thành cơ chế kiểm soát thu chi dựa trên việc tích lũy. Cụ thể, học phí là nguồn thu của riêng trường ĐH, thay vì trước kia phải nộp về cho nhà nước. Điều này có nghĩa là trường ĐH có quyền kiểm soát việc thu chi.

Các trường ĐH tại Indonesia được tự do tìm kiếm các nguồn thu khác như học phí, hoạt động tư vấn, liên kết với doanh nghiệp. Dù trường ĐH có quyền quyết định mức học phí nhưng chính phủ vẫn quy định nguồn thu từ học phí không được cao hơn 30% tổng chi của trường ĐH. Đồng thời, chính phủ cũng quy định ít nhất 20% nguồn chi của trường ĐH phải dành cho sinh viên nghèo.

Tự chủ đại học và học phí: Để trăm dâu không đổ đầu... học phíTự chủ đại học và học phí: Để trăm dâu không đổ đầu... học phí

TTO - Tăng nguồn thu từ các hoạt động khoa học công nghệ, tài trợ sẽ giúp giảm áp lực tài chính lên người học trong khi vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả của trường.


Xem thêm: mth.59092113261802202-uad-ut-ned-coun-cac-coh-iad-uht-nougn-ihp-coh-av-coh-iad-uhc-ut/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tự chủ đại học và học phí: Nguồn thu đại học các nước đến từ đâu?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools