Theo Nikkei Asia, các nhà cung cấp của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch và MacBook ở miền Bắc Việt Nam. Mục đích chính của “gã khổng lồ công nghệ” này là muốn chuyển một số nhà máy sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang các thị trường khác của châu Á. Bên cạnh đó Apple cũng đã bắt đầu sản xuất iPhone 13 trong năm nay tại Ấn Độ và cũng đang có kế hoạch lắp ráp máy tính bảng iPad ở đất nước này.
Hiện nay, Ấn Độ đang là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới cùng với các quốc gia khác như Mexico và Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà sản xuất lớn của Mỹ, cho thấy rằng các tập đoàn lớn trên thế giới đang cố gắng đa dạng hóa nơi sản xuất, hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trước đây Apple đã quyết định chuyển một số hoạt động sản xuất iPad ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam sau những biện pháp zero Covid nghiêm ngặt tại Thượng Hải dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong nhiều tháng, theo nguồn tin của Nikkei Asia.
Apple đã yêu cầu Foxconn chuyển hoạt động sản xuất iPad và MacBook Pro từ Trung Quốc sang Việt Nam vào năm 2020. Theo báo cáo trước đó của Nikkei từ tháng 01/2021 cho thấy Apple đã có kế hoạch chuyển sản xuất iPad sang Việt Nam vào giữa năm 2021, nhưng do sự bùng phát của Covid-19 vào năm 2021 đã làm trì hoãn kế hoạch đó.
iPad sẽ trở thành dòng sản phẩm chính thứ hai của Apple được sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á, sau tai nghe AirPods. Động thái này không chỉ cho thấy nỗ lực không ngừng của Apple trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam đối với gã khổng lồ công nghệ này.
Nhiều nhà sản xuất điện tử lớn khác như Google, Dell và Amazon cũng đã thiết lập hoạt động sản xuất tại Việt Nam để đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc.
Trong 4 năm qua, Mỹ đã tăng thuế đối với các mặt hàng điện tử sản xuất tại Trung Quốc cũng như hạn chế nguồn cung linh kiện, ưu tiên sử dụng công nghệ Mỹ thay vì Trung Quốc vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Do đó, việc di dời một phần sản xuất sang Việt Nam sẽ giúp giảm ảnh hưởng nếu căng thẳng thương mại trở nên tồi tệ hơn và có thể giúp ích cho việc duy trì sản lượng.
Mai Anh (theo Reuters, Nikkei Asia)