Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển đại học 2022 tại Ngày hội tư vấn xét tuyển do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức - Ảnh: NAM TRẦN
Trước câu hỏi "Hơn 325.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học, có bất thường?", bạn đọc Dat lập tức trả lời "bình thường và con số này sẽ còn tăng", bởi đại học không phải là con đường cuối cùng và duy nhất, "đôi khi lại chẳng phải là đích đến bản thân người tham gia học mong muốn".
Cùng nhận định "chẳng có gì bất thường" khi hơn 325.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học, bạn đọc Lê Hùng phân tích: "Với học phí tăng chóng mặt, cộng chi phí đắt đỏ tại các đô thị, tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp... chi bằng chọn đi học nghề rồi đi làm hoặc xuất khẩu lao động, là con đường ngắn nhất có thể tự chủ cuộc sống và giúp đỡ gia đình".
"Thu nhập của người dân ở vùng nông thôn cả nhà chưa đủ sức nuôi con học đại học ở các thành phố lớn. Hơn nữa đại dịch COVID-19 làm thu nhập các gia đình nghèo ở thành thị gặp nhiều khó khăn... kinh phí đâu để các cháu học?", bạn đọc Đạt hỏi.
"Học phí quá cao so với thu nhập nên thí sinh không muốn vào, chính xác là không có tiền để đóng học phí nên ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ giảng đường đại học", "Chi phí bỏ ra 4 năm đại học khá lớn mà ra trường thì bấp bênh. Nhiều em sẽ chọn đường học nghề, xuất khẩu lao động hoặc vào những xí nghiệp phổ thông. Mấy nay đọc báo thấy lương công chức, viên chức oải quá, nên học sinh chạy hết cũng đúng"; "Học phí đại học không phải gia đình lao động nào cũng có thể đáp ứng được, rất đau đầu khi tính toán cho chặng đường dài phía trước"... nhiều bạn đọc cùng nhận xét.
Cũng có ý kiến cho rằng nhiều thí sinh bỏ xét tuyển đại học vì "biết mình biết ta", như phân tích của bạn đọc Lê Văn Vinh: "Ai ngồi trên ghế nhà trường cũng biết một lớp học có khoảng 10% là học sinh khá, giỏi. Nhiều thí sinh bỏ xét tuyển vì các em biết được sức học của mình, tốn tiền nhưng chẳng được gì, lỡ có đậu vào học cũng không nổi. Tốt nhất tìm kiếm một nghề nào đó để mưu sinh sau này"...
Có lẽ ít ai để ý việc học phí các trường đại học tăng cao là nguyên nhân rất lớn làm cơ hội học tập giảm đi. Các trường cứ viện cớ chi phí cao, giáo viên giỏi... thổi bùng mức học phí, cổ xúy trào lưu "giá cao đẳng cấp" mà quên rằng: giáo dục là mang tri thức cho xã hội, chứ giáo dục không phải là một thương hiệu để cứ muốn PR là PR.
Bạn đọc Kha
Nguy cơ trượt đại học vì... lệ phí xét tuyển?
Bên cạnh học phí, nhiều bạn đọc cũng băn khoăn trước quy định nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến và lo lắng sẽ có nhiều thí sinh/phụ huynh gặp khó khăn vì (1) lần đầu tiên thanh toán trực tuyến; (2) không có tài khoản Internet banking, thậm chí không có một tài khoản ngân hàng hay dịch vụ thanh toán tiền nào cả; (3) thí sinh, phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa, hạn chế phương tiện giao dịch thanh toán trực tuyến…
"Do tính chất công việc, tôi phải thường xuyên hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan nộp phí, lệ phí trực tuyến, vậy mà khi thử nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, mồ hôi mẹ, mồ hôi con rớt lộp độp vì loay hoay không biết bắt đầu, mục nào… trên giao diện. Trong khi đó Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ giới thiệu đơn giản về 15 kênh thu hộ/nộp thay; thí sinh, phụ huynh biết làm sao?", bạn đọc 5 Mì Lát nêu.
"Rủi ro trượt đại học chỉ vì mấy chục nghìn tiền lệ phí không phải là không xảy ra. Theo tôi nên bỏ phí này hoặc sẽ thu phí khi thí sinh nộp hồ sơ trúng tuyển", bạn đọc Tống Xuân Hữu góp ý.
TTO - 17h ngày 20-8 là hạn cuối đăng ký xét tuyển nguyện vọng đại học trên cổng của Bộ GD-ĐT. Số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển là 941.760; số thí sinh đã nhập nguyện vọng là 616.044. 325.716 thí sinh bỏ xét tuyển.
Xem thêm: mth.18675447112802202-oac-ihp-coh-od-coh-iad-neyut-tex-ob-hnis-iht-000-523-noh/nv.ertiout