Những ngày qua, trẻ mắc các bệnh đường hô hấp gia tăng, các giường bệnh đều kín bệnh nhi (ảnh chụp tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Vậy làm sao tăng cường miễn dịch cho trẻ để "né" các bệnh đang lưu hành khi trẻ sắp đến trường học trở lại?
Tăng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp
Hai ngày qua, bé T.A. (9 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) thường xuyên bị chảy nước mũi, kèm sốt, hắt hơi, đau họng, ho, uể oải. Gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khám bệnh và được bác sĩ chẩn đoán bé bị cúm, cho thuốc về nhà uống.
Dù bé T.A. mắc bệnh không quá nặng nhưng khiến cơ thể bé mệt mỏi kéo dài, ăn kém. Chị Nguyệt - mẹ bé - cho biết chị rất lo lắng khi T.A. sắp đến trường đi học lại. "Tôi đang cố gắng chăm sóc bé để mau khỏe để trở lại trường lớp, bạn bè", chị Nguyệt chia sẻ.
Ngoài cúm, chị Nguyệt còn lo ngại dịch COVID-19 khi có dấu hiệu tăng trở lại. Chị cho biết cả nhà đã tiêm đủ vắc xin, cách đây khoảng một tháng có một thành viên trong gia đình đã tái nhiễm.
Các bệnh viện Nhi đồng trên địa bàn TP.HCM những ngày qua tiếp nhận nhiều trẻ đến khám do mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp.
Các bác sĩ dự kiến số ca bệnh tiếp tục tăng vì tháng 8, 9 thường có thời tiết thất thường nên trẻ em dễ mắc các bệnh đường hô hấp hơn.
Một trong những bệnh hô hấp nguy hiểm mà trẻ còn đối diện đó là dịch COVID-19. Hiện số ca mắc mới trên địa bàn TP.HCM có dấu hiệu tăng trở lại. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 16-8, TP.HCM có 1.429 ca mắc COVID-19 đang điều trị tại nhà, 216 ca điều trị tại bệnh viện, trong đó 11 ca thở máy xâm lấn, 1 ca lọc máu.
Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho biết lượng bệnh nhi thăm khám và nhập viện điều trị vì mắc các bệnh lý đường hô hấp tại bệnh viện gia tăng. Đáng chú ý nhất là số trẻ mắc COVID-19 đang có dấu hiệu "nhỉnh hơn".
"Nếu như những tháng trước không ghi nhận ca nào nhập viện, hoặc có thời điểm 1-2 ca thì hiện nay bệnh viện đang điều trị 5 trẻ mắc COVID-19, trong đó có 1 trẻ bị suy hô hấp, phải thở HFNC (đưa oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi). Những trẻ này đều dưới 12 tuổi và ghi nhận chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm nước ta vẫn ghi nhận từ 600.000 đến 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên số nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A độc lực thấp.
Theo Sở Y tế TP.HCM, vắc xin vẫn là biện pháp phòng COVID-19 hữu hiệu nhất, nhưng sau hơn hai tuần triển khai tháng cao điểm tiêm vắc xin cho trẻ thì TP.HCM vẫn là địa phương nằm trong danh sách các địa phương có tỉ lệ trẻ tiêm vắc xin thấp nhất so với trung bình cả nước. Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do nhận thức về tầm quan trọng của vắc xin cho trẻ em của một số phụ huynh chưa cao.
Không tự ý điều trị, tăng cường tiêm vắc xin COVID-19
Bác sĩ Minh Tiến cho hay hiện thời tiết đang vào thời điểm giao mùa (mùa mưa ẩm sang thu đông) nên rất thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển và gây bệnh. Đặc biệt khi trẻ trở lại trường đi học, trẻ có thể đối diện nhiều bệnh đường hô hấp (COVID-19, cúm, hen phế quản, viêm hô hấp trên, viêm phổi, hen suyễn...), sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Ông lưu ý phụ huynh cần hướng dẫn, chăm sóc con trẻ phòng bệnh trong thời điểm "nhạy cảm" dịch bệnh bằng cách che miệng và mũi khi hắt hơi, đeo khẩu trang chốn đông người, rửa tay thường xuyên, giữ đồ chơi sạch, treo mùng khi ngủ, giữ ấm cơ thể...
Khi trẻ có những biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, mệt mỏi... cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về tự điều trị cho trẻ hoặc cho trẻ uống theo đơn thuốc cũ.
Riêng bệnh cúm mùa, bác sĩ Tiến cho hay các bệnh viện ở TP.HCM không đặt nặng việc xét nghiệm tìm nguyên nhân vì chưa phát hiện những chùm ca bệnh liên quan nhau, thay vào đó tập trung điều trị ngoại trú, khuyến cáo cách ly và nhập viện khi trẻ chuyển nặng.
Ngoài ra, để phòng bệnh ngay từ đầu và tăng miễn dịch cho trẻ, phụ huynh cần đưa trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, đặc biệt là vắc xin phòng COVID-19.
Hiện ngành y tế TP.HCM trong thời gian triển khai tháng cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ, do đó phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm đủ liều và đúng lịch, hạn chế nguy cơ trẻ nhiễm COVID-19 khi tình hình dịch đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Ăn uống đầy đủ
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ bằng cách uống đủ nước, ăn thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, cua, gan động vật...), bổ sung các loại rau củ, hoa quả, các loại đậu và ngũ cốc.
TTO - Bé Lê Thúy H., 9 tháng tuổi, bị sốt, ho, sổ mũi ba ngày, sáng hôm sau tự nhiên H. bị ói, quấy khóc nên mẹ đưa bé đến bác sĩ khám. Bác sĩ khám thấy bé có ít chấm đỏ trên cẳng tay nên cho bé thử máu và làm test nhanh sốt xuất huyết NS1.
Xem thêm: mth.94905147022802202-oas-hcid-neim-gnat-ert-gnoc-nat-pah-oh-gnoud-hneb/nv.ertiout