Bước sang tuần giao dịch mới, các chỉ số thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 22/8 trong sắc đỏ trước áp lực bán mạnh từ nhiều cổ phiếu trụ, đúng như dự báo của các công ty chứng khoán từ cuối tuần trước.
Ngay khi mở cửa phiên, các mã trụ cột trong nhóm VN30 gồm NVL, SAB, BCM, TPB, VIC, VHM... lao dốc về dưới tham chiếu. Tuy nhiên, một vài cổ phiếu lớn khác vẫn có được sự tích cực và phần nào nâng đỡ thị trường chung, trong đó có MWG, MBB, VNM , GAS...
Có thời điểm chỉ số chứng khoán được phục hồi về tham chiếu, khá nhiều cổ phiếu lớn đã lấy lại được sắc xanh và điều này giúp VN-Index hồi phục như MWG, BVH, MBB, VNM, PVD, PVS, GAS…
Tuy nhiên, mức giữ ở tham chiếu này không được lâu, áp lực bán bị đẩy lên mức cao và khiến hàng loạt cổ phiếu lớn lao dốc, trong đó, VRE, HDB, BID, GVR, VHM... Bên cạnh đó. Ngoài ra, các cổ phiếu bất động sản như L14, CEO, DIG, NDN, DXG... cũng đồng loạt lao dốc. Điều này khiến thời điểm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 5,75 điểm xuống 1.263,43 điểm. Số mã giảm lớn gấp 3 lần số mã tăng.
Đến phiên giao dịch chiều, đà giảm của thị trường càng bị nới rộng thêm do áp lực bán tiếp tục dâng cao ở ngay sau giờ nghỉ trưa, trong đó, các cổ phiếu như GVR, HDB, VRE, BID, TPB... đồng loạt giảm sâu.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,75 điểm, tương ứng 0,69% xuống 1.260,43 điểm. Toàn sàn có 130 mã tăng, 326 mã giảm và 70 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,21 điểm, tương ứng 1,08% xuống 294,73 điểm. Toàn sàn có 63 mã tăng, 125 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,55 điểm, tương ứng 0,59% xuống 92,22 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 giảm hơn 9 điểm, với 26/30 mã lao dốc.
VIC là mã chứng khoán tác động xấu nhất đến phiên giao dịch ngày 22/8 với mức giảm 2,8%. Mã này có 1,4 triệu cổ phiếu được sang tay trong ngày.
Nhóm ngân hàng cũng ghi nhận nhiều mã lao dốc. Chỉ một số mã giữ được sắc xanh ở nhóm này là EIB, MBB, SHB, NVB… Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để MBB chốt danh sách cổ đông được nhận cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế năm 2021. Theo phương án đã được ĐHCĐ 2022 thông qua, MB sẽ phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỉ lệ 20%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới. Còn lại hầu hết các mã ngân hàng khác đều giảm mạnh. Nhiều mã nằm trong top những cổ phiếu kìm đà tăng của thị trường là BID, VCB, HDB…
Nhóm bất động sản cũng chịu áp lực bán mạnh, nhiều mã giảm biên độ lớn như CEO giảm 6,71%, CKG giảm 2,55%, DIG giảm 6,27%, DXG 3,45%, DXS giảm 3,74%...
Không chỉ cổ phiếu lớn, các mã đầu cơ cũng lao dốc đầu tuần. Cụ thể, hàng loạt mã có yếu tố đầu cơ cao đều giảm điểm với biên độ lớn là FLC, ART, AMD, HAI, LGD, HQC, JVC...
Chiều ngược lại, cổ phiếu nhóm khu công nghiệp lại ngược đà giảm của thị trường, một số mã nằm trong top tác động tích cực nhất đến thị trường chung. BCM, UIC kết phiên tăng hết biên độ, NLG tăng 3,03%, KBC tăng 1,53%... Hay ở nhóm cổ phiếu điện cũng có REE góp mặt với mức tăng 1,84%... Một mã khác cũng gây chú ý trong phiên giao dịch đầu tuần là HAG với mức tăng tới 6,4%.
Hay như ở nhóm cổ phiếu bán lẻ, MWG cũng dẫn sóng với mức tăng tới 3,74% sau thông tin mới cập nhật về kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm. Theo đó, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 16% so với tháng 7/2021. Lũy kế 7 tháng, MWG ghi nhận 81.700 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Các mã khác thuộc nhóm bán lẻ như FRT, PNJ, DGW… kết phiên cũng đều có thêm điểm.
Khối ngoại bán ròng 230 tỷ đồng phiên giao dịch đầu tuần. Khối này giải ngân chỉ 497 tỷ đồng song lại bán ra 726 tỷ đồng. Một số mã bị bán mạnh nhất là KBC 54,2 tỷ đồng, SSI 41 tỷ đồng, VHM 35 tỷ đồng, STB 30 tỷ đồng… Những mã được mua nhiều nhất là VHM 48 tỷ đồng, SHB 35 tỷ đồng, PVD 34 tỷ đồng…
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước đó. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.842 tỷ đồng, giảm 0,4%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 3,2% và ở mức 13.140 tỷ đồng. Nhóm VN30 thanh khoản đạt hơn 4.900 tỷ đồng.