Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định. Hà Nội được chọn là gốc để so sánh giá của 62 tỉnh, thành còn lại.
Theo đó, năm 2015, mức giá sinh hoạt tại Sơn La năm 2015 bằng 99,27% so với Hà Nội, xếp thứ thứ 3 trên cả nước về mức độ đắt đỏ. Đây cũng là năm chỉ số SCOLI và thứ hạng về mức độ đắt đỏ của Sơn La cao nhất trong 7 năm gần đây. Đến năm 2016, chỉ số SCOLI của địa phương giảm xuống còn 97,49%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành.
Theo báo cáo, chỉ số SCOLI các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, như Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La thường cao do nhiều hàng hóa không sản xuất tại vùng cao, đường xá đi lại khó khăn nên giá cước vận chuyển cao.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối phân tán đòi hỏi chi phí cao để duy trì hệ thống, cùng với chi phí dự trữ hàng hóa trong kho bãi đã đẩy giá hàng hóa của vùng Trung du và miền núi phía Bắc lên cao hơn so với các vùng khác.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng, giúp hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa được thông suốt nhanh chóng, làm cho mức giá hàng hóa tiêu dùng trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc tương đương với các địa phương khác trên cả nước.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Từ năm 2016, chỉ số SCOLI của Sơn La có xu hướng giảm và trong 2 năm từ 2016 - 2017, mức độ đắt đỏ của tỉnh tụt xuống thứ 11 trên cả nước. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, chi phí sinh hoạt của Sơn La có xu hướng tăng trở lại, địa phương lại lọt top 8 tỉnh, thành có chi phí sinh hoạt cao nhất cả nước.
Năm 2020, Sơn La đứng thứ 7 về mức độ “đắt đỏ” trong tiêu dùng, bằng 96,13% so với Hà Nội. Sơn La là tỉnh đắt thứ 2 trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (rẻ nhất là Phú Thọ, bằng 91,07% so với Hà Nội, xếp hạng 56 toàn quốc).
Đến năm 2021, chỉ số SCOLI của Sơn La giảm xuống còn 94,58%, mức thấp nhất của địa phương kể từ năm 2015 đến nay. Với chỉ số này, Sơn La xếp thứ 7 trên cả nước về mức độ đắt đỏ của chi phí sinh hoạt.
Đặc biệt, dù mức giá sinh hoạt khá cao, thu nhập của người dân ở Sơn La lại không cao. Thu nhập bình quân của người dân tại địa phương này chỉ đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng vào năm 2016 và xếp thứ 62 trên cả nước.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Trong giai đoạn từ 2016 - 2021, TNBQ đầu người của tỉnh luôn ở vị trí khá thấp, 62/63 tỉnh, thành trên cả nước. Đến năm 2021, TNBQ đầu người của Sơn La chỉ đạt 1,83 triệu đồng/tháng, tăng 1,4 lần so với năm 2016 và xếp thứ 62 trên cả nước.