Chiều 23-8, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác nhận thông tin: Lúc 14 giờ 08 phút chiều nay, trận động đất có độ lớn 4.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km (khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum).
Bản đồ chấn tâm động đất. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu |
Theo ghi nhận tại Quảng Nam-Đà Nẵng, trận động đất này đã gây rung lắc, làm chao đảo nhẹ có thể cảm nhận rất rõ tại các ngôi nhà cao tầng. Tại các nhà dân ở vùng miền núi Quảng Nam gần Kon Tum thì cảm nhận rất rõ khi đồ đạc va vào nhau kêu leng keng.
Sau khi trận động đất xảy ra và gây rung lắc tới tận Đà Nẵng, Quảng Nam thì rất nhiều người đang làm việc tại các công sở đã đăng tải ghi nhận sự rung chấn này lên trên mạng xã hội.
Cùng thời điểm xảy ra động đất, hầu hết các xã ở huyện Nam Trà My và các địa phương khác của tỉnh Quảng Nam có cảm nhận rung lắc.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, nhiều xã vừa báo cáo trên địa bàn ghi nhận động đất rất lớn, có thể mạnh nhất từ trước tới nay mà người dân cảm nhận được.
Tại xã Trà Cang (huyện Nam Trà My), người dân đang tiêm vaccine COVID-19 bỏ chạy. Cán bộ, người dân nghe tiếng động mạnh, rung lắc dữ dội tháo chạy ra khỏi nhà.
Theo Viện Vật lý địa cầu, trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên, trong đó chỉ có hai trận động đất xảy vào năm 1937 có độ lớn 3.9 và năm 2015 có độ lớn 3.0.
Trong thời gian từ tháng 4-2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần suất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần.
Thống kê từ năm 2021 đến thời điểm tháng 4-2022 Kon Tum ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ richter xảy ra tại huyện Kon Plông. Trong đó có một trận động đất lớn nhất là 4.5 độ richter.
Vào tháng 4 năm nay, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã phải tổ chức cuộc họp để nhận diện tình hình động đất biến động, tìm hiểu nguyên nhân, khả năng thiệt hại và các giải pháp ứng phó cho chính quyền và người dân vùng động đất,...
Ngày 11-5, Viện Vật lý địa cầu đã có báo cáo khảo sát thực địa, xác định nguyên nhân động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum thời gian qua là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.
Tuy nhiên, theo Viện Vật lý địa cầu, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất, cường độ trong tương lai cần có những khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo.
Viện Vật lý địa cầu đề nghị thiết lập nhanh mạng trạm quan sát động đất địa phương, dự kiến gồm 8 trạm tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận, phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời. Đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhiệm vụ: Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra; mối liên hệ giữa hoạt động động đất và tích nước hồ chứa; đánh giá độ nguy hiểm và xây dựng các kịch bản ứng phó.