Sáng 14-8, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phiên họp này có nội dung lớn nhất từ đầu năm đến nay, với 20 nội dung. Trong đó, tập trung vào các vấn đề giám sát, cho ý kiến vào các dự án luật.
Phiên họp diễn ra trong 7 ngày và chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 14 đến 18-8, đợt 2 từ ngày 24 đến 28-8.
Chất vấn 2 bộ trưởng, trong đó có vấn đề xuất khẩu gạo
Về chuyên đề giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa, theo ông Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại phiên họp tháng 7 và chủ tịch, phó chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến vấn đề này.
Đến nay tài liệu khá hoàn chỉnh và cơ quan chủ trì giám sát là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng chuẩn bị khá công phu.
Trong chiều nay 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo và ra nghị quyết giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa "rất quan trọng này".
Chủ tịch Quốc hội nói thêm về chuyên đề giám sát, Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về 5 nội dung, trong đó có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Đây là nội dung thường niên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào tháng 3, tháng 8, còn nội dung chất vấn ở Quốc hội tổ chức 2 lần tại kỳ họp đầu năm, cuối năm.
Nội dung này được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân mong đợi nên được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Từ đó, góp phần phát huy tính dân chủ pháp quyền, công khai minh bạch cho hoạt động giám sát Quốc hội.
Liên quan hoạt động chất vấn, ông Huệ nói trên cơ sở ý kiến của 53 đoàn đại biểu Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội đã tổng hợp thành 132 nhóm vấn đề đề xuất chất vấn và Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết lựa chọn 2 nhóm nội dung quan trọng nhất để chất vấn.
Dự kiến, ngày mai sẽ tiến hành chất vấn 2 bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong đó, lĩnh vực thuộc Bộ Tư pháp liên quan đến xây dựng pháp luật, đấu giá, giám định tư pháp... Còn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nội dung liên quan đến vấn đề gạo, xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay.
"Hiện nay về tình hình lương thực, trên thế giới đã có một số nước cấm xuất khẩu, một số nước rút khỏi sáng kiến lương thực. Hiện giá gạo đang tăng lên.
Chúng ta tận dụng cơ hội này như thế nào để vẫn đảm bảo được ổn định thị trường trong nước và an ninh lương thực trong nước là bài toán cần phải tính toán để đạt được đa mục tiêu trong giai đoạn này", ông Huệ nêu.
Cho ý kiến 12 dự án luật, nghị quyết
Về công tác lập pháp, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến 12 dự án luật, nghị quyết và đây là số lượng rất lớn.
Trong đó, để chuẩn bị cho kỳ họp 6, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 8/9 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5. 2/8 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu là Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và Luật Đấu giá tài sản.
Ông nói với Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi là lưới an sinh quan trọng, cả chủ doanh nghiệp và lao động đều quan tâm.
Cùng với đó là dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở… cũng được cho ý kiến.
Ông đề nghị các thành viên nghiên cứu cho ý kiến cụ thể, đánh giá thẳng thắn, toàn diện, cầu thị, đặc biệt vấn đề tác động về tổ chức biên chế, ngân sách.
Tại phiên họp, theo ông Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến thông qua dự thảo nghị quyết quy định cụ thể vị trí có cấp hàm trung tướng, thiếu tướng mà Luật Công an nhân dân sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15-8 chưa quy định.
Bên cạnh đó, ông Huệ nêu Chính phủ có văn bản đề nghị bổ sung một số nội dung mới, vì vậy cần có hồ sơ sớm để xem xét, nếu không chuẩn bị sớm sẽ rất bị động, ảnh hưởng đến chất lượng nội dung.
Dự kiến sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, dự kiến diễn ra từ ngày 28 đến 30-8.
Tại Diễn đàn người lao động năm 2023, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng dựa trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu.