- Năm 2022 là năm đầu tiên tất cả thí sinh phải thực hiện đăng ký xét tuyển ĐH trực tuyến trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT, kể cả những thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm ở các đơn vị. Tuy nhiên, so với năm trước, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH năm nay giảm gần 180.000 thí sinh.
Thí sinh nghe tư vấn xét tuyển đại học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: VŨ TRẦN |
Thí sinh rối, trường hoang mang?
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, sau một tháng mở cổng đăng ký (từ ngày 20-7 đến 17 giờ ngày 20-8), tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng (NV) là 616.044 em với hơn 3 triệu NV. Số lượng NV trung bình theo thí sinh là 5,02.
Đáng nói, số này thấp hơn rất nhiều so với năm 2021 và so với cả số thí sinh năm nay. Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua, cả nước có 941.760 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Như vậy, đã có hơn 325.000 em không tham gia xét tuyển ĐH. Và so với năm trước, số lượng thí sinh đăng ký năm nay giảm hơn đến gần 180.000 thí sinh (có 795.353 thí sinh).
Tuy nhiên, với những thay đổi trong tuyển sinh ĐH năm nay cộng với số thí sinh tham gia xét tuyển giảm mạnh khiến các trường ĐH không khỏi lo lắng.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, bày tỏ: Tiến độ xét tuyển bị đẩy lùi quá trễ, cộng với việc số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển giảm đáng kể so với hai năm trước khiến các trường rất lo lắng, đặc biệt là các trường có chỉ tiêu tuyển sinh lớn. Bởi qua theo dõi trên hệ thống, chỉ khoảng 50% số thí sinh đã trúng tuyển sớm vào trường có nhập NV lên hệ thống. Chưa kể, trường cũng không biết có bao nhiêu thí sinh trong số đó đặt NV1 vào trường vì các em trúng tuyển nhiều trường. Vì thế, kết quả tuyển được bao nhiêu thí sinh đến nay vẫn khó lường.
Theo TS Nhân, số em không đăng ký có thể do hai nguyên nhân chính. Một là cách thức đăng ký năm nay khá phức tạp và thời gian trễ nên có thể nhiều thí sinh không biết hoặc cảm thấy nản nên chọn đi học nghề, đặc biệt là với các em ở vùng khó khăn.
Thứ hai là số lượng thí sinh đi du học năm nay khá nhiều, các trường ĐH nước ngoài đa số đã cho sinh viên nhập học nên nhiều em không xét tuyển vào các trường ở Việt Nam.
Còn theo ThS Trần Vũ, Trưởng Phòng tuyển sinh và truyền thông của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), với những thay đổi trong tuyển sinh năm nay, rất khó để biết lý do chính xác về số thí sinh xét tuyển giảm. Lý do có thể nhiều thí sinh không muốn tham gia xét tuyển ĐH đợt 1 mà chờ đợt 2 hoặc đã lựa chọn đi học nghề.
“Không loại trừ nhiều thí sinh không biết việc phải đăng ký trên hệ thống của bộ mà cứ nghĩ khi đã có thông báo trúng tuyển theo phương thức sớm thì đã an tâm. Bởi một số cơ sở đào tạo không nhấn mạnh để thí sinh phải đăng ký trên hệ thống, còn trường phổ thông thời điểm này đã nghỉ hè nên việc nhắc nhở thí sinh, phụ huynh cũng hạn chế. Tuy nhiên, các em vẫn còn đợt 2 nên cơ hội vào ĐH của các em vẫn còn” - ThS Vũ cho hay.
Mỗi thí sinh chỉ đóng lệ phí 20.000 đồng/NV với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT; các phương thức khác, thí sinh thực hiện đóng lệ phí theo quy định của cơ sở đào tạo.
Đừng để gần hết thời hạn mới nộp lệ phí
Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT có nhiều thay đổi trong tuyển sinh ĐH theo hướng tăng ứng dụng công nghệ thông tin, từ đăng ký xét tuyển, đóng lệ phí và cả xác nhận nhập học.
Do đó, sau khi thí sinh kết thúc thời gian đăng ký NV xét tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh phải thực hiện thanh toán lệ phí xét tuyển theo số lượng NV mà các em đã đăng ký bằng hình thức trực tuyến trong thời gian quy định của bộ.
Và khi thanh toán, mỗi thí sinh chỉ đóng lệ phí 20.000 đồng/NV với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức khác, thí sinh thực hiện đóng lệ phí theo quy định của cơ sở đào tạo.
“Thí sinh phải thực hiện đúng, đủ hết quy trình xét tuyển theo quy định. Nếu thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự NV hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký NV của thí sinh” - Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Theo kế hoạch mới nhất của Bộ GD&ĐT, thời gian bắt đầu cho thí sinh đóng lệ phí từ ngày 24 đến 31-8. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và tránh các rủi ro về kỹ thuật, Bộ GD&ĐT khuyến cáo thí sinh không nên để đến sát thời gian hết hạn mới thực hiện nộp lệ phí.
Trong thời gian đóng lệ phí, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các cơ sở GD&ĐT phải nhắc nhở, đôn đốc và hỗ trợ thí sinh nộp lệ phí xét tuyển nếu thí sinh không tự thực hiện được, nhất là với những em có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa.•
Trước 17 giờ ngày 17-9 công bố kết quả trúng tuyển đợt 1
Sau khi hoàn tất thời gian đóng lệ phí, hệ thống sẽ thực hiện lọc ảo từ ngày 4 đến 17 giờ ngày 15-9. Trước 17 giờ ngày 17-9, các cơ sở đào tạo xác nhận điểm trúng tuyển và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các cơ sở đào tạo không yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước 16-9 và cũng không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 30-9.