Trung Quốc muốn siết nền tảng mua chung
Chánh Tài
(TBKTSG Online) - Bắc Kinh đang tìm cách chấn chỉnh các nền tảng thương mại điện tử mua chung theo nhóm vì lo ngại mức giá bán hàng quá rẻ của mô hình này sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, đe dọa kế sinh nhai của những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm.
Alibaba, Tencent và các tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc đang đối mặt với sự giám sát ngày càng gắt gao của cơ quan quản lý khi họ nỗ lực bán bán nông sản và thực phẩm tươi qua kênh trực tuyến dưới mô hình mua chung theo nhóm.
Mô hình này cho phép những người quen biết trong nhóm bạn bè, người thân gia đình, hàng xóm... cùng đặt mua số lượng lớn thực phẩm và nông sản tươi với giá rẻ thông qua một người trưởng nhóm được các nền tảng bán hàng trực tuyến xác nhận.
Trỗi dậy mạnh mẽ trong thời kỳ dịch bệnh
Mô hình mua chung theo nhóm trở nên thịnh hành hơn trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 khi mọi người ngại đi ra khỏi nhà đồng thời họ cũng muốn tiết kiệm tiền do kinh tế bất ổn. Nó cũng giúp các nền tảng thương mại điện tử tiết kiệm chi phí vì họ chỉ cần giao hàng đến địa chỉ của người trưởng nhóm và sau đó, mọi người trong nhóm sẽ đến nhận hàng.
Pano quảng cáo dịch vụ mua chung theo nhóm của Meituan và Didi Chuxing trên đường phố ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: China Daily |
Hãng nghiên cứu thị trường iiMedia Research dự báo thị trường mua chung theo nhóm ở Trung Quốc sẽ đạt doanh số 72 tỉ nhân dân tệ (11 tỉ đô la) trong năm 2020, gấp đôi so với năm ngoái và sẽ tăng lên 102 tỉ nhân nhân dân tệ vào năm 2022.
Hãng nghiên cứu thị trường Kantar cũng dự báo doanh số thị trường mua chung của Trung Quốc đạt 89 tỉ nhân dân tệ (13,6 tỉ đô la) trong năm 2020, tăng gấp ba so với năm 2018. Nhu cầu mua sắm thực phẩm tươi trực tuyến vẫn mạnh mẽ khi nhiều người tiêu dùng duy trì thói quen mua sắm ở các nền tảng thương mại điện tử ngay cả sau khi Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và nhịp sống đã trở lại gần như bình thường.
Bên cạnh Alibaba và Tencent, các ‘ông lớn’ thương mại điện tử khác như Meituan, Pinduoduo, JD.com cũng như hãng gọi xe Didi Chuxing, đã tung các dịch vụ mua chung hoặc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đang vận hành mô hình kinh doanh này.
Pinduoduo giờ đây là nền tảng thương mại điện tử mua chung lớn nhất Trung Quốc, với số người dùng hàng năm lên tới 731 triệu. Didi Chuxing mới gia nhập lĩnh vực mua chung trong năm nay nhưng đã mở rộng mạng lưới doanh ra 17 tỉnh.
Trong tuần này, JD.com đã đồng ý chi 798 triệu đô la Hồng Kông (102,9 triệu đô la Mỹ) mua 5,37% số cổ phần của China Dili Group, công ty kinh doanh nông sản giá sỉ, nhằm củng cố chuổi cung ứng. China Dili Group sở hữu 10 chợ nông sản đầu mối lớn ở bảy thành phố của Trung Quốc.
Không giống như các nền tảng thương mại điện tử truyền thống, thường nhắm đến giới trẻ, các dịch vụ mua chung thu hút những khách hàng lớn tuổi cũng như khách hàng từ các thành phố nhỏ.
Siết chặt quản lý các nền tảng mua chung
Tuy nhiên, Bắc Kinh ngày càng lo ngại các rủi ro tiềm tàng của mô hình mua chung đối với việc làm và sự ổn định kinh tế. Giống như chiến lược đã thực hiện ở các phân khúc hàng hóa khác của thương mại điện tử trước đây, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang chạy đua mở rộng thị phần mua chung bằng cách bán nông sản tươi và thực phẩm với mức giá giảm mạnh cho người tiêu dùng và các nhà cung cấp. Chẳng hạn, Meituan chào bán 1,5kg táo hoặc 30 cuộn giấy vệ sinh với giá chỉ 0,0015 đô la (34 đồng Việt Nam) đối với người dùng mới.
Chiến lược ‘bán phá giá’ này của họ đang vấp phải sự phản đối ở Bắc Kinh, nơi các cơ quan quản lý bắt đầu áp dụng chính sách quản lý cứng rắn hơn đối với các công ty công nghệ.
Doanh số thị trường mua chung của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt 89 tỉ nhân dân tệ (13,6 tỉ đô la) trong năm 2020, tăng gấp ba so với năm 2018. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên mức gần 125 tỉ nhân dân tệ trong năm 2021. |
Tuần trước, Cơ quan quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) đã triệu tập đại diện của sáu công ty đang vận hành mô hình mua chung gồm Alibaba, Tencent, JD.com, Pinduoduo, Meituan và Didi Chuxing đến dự một cuộc họp để khuyến cáo họ họ không sử dụng các thực hành chống cạnh tranh, chẳng hạn như hành vi bán phá giá khi một công ty tung bán sản phẩm dưới mức giá của thị trường để bóp nghẹt sự cạnh tranh của các đối thủ.
Đồng thời, SAMR cũng công bố dự thảo mới về các quy định cấm các thực hành chống cạnh tranh, chẳng hạn bán dưới giá thành sản xuất hoặc ký thỏa thuận kinh doanh độc quyền với các bên bán hàng thứ ba. SAMR cho biết các dịch vụ mua chung theo nhóm ở các nền tảng internet đang làm xói mòn việc làm ở các địa phương vì các chiêu thức cạnh tranh bất công. Tuyên bố của SAMR nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng các nền tảng internet sẽ trách nhiệm xã hội lớn hơn”.
Trong một phóng sự của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng vào hôm 27-12, nhiều người buôn bán đường phố và chủ cửa hàng thực phẩm phàn nàn rằng thu nhập của họ giảm đáng kể vì nhiều khách hàng chuyển sang mua trên các nền tảng mua chung để được hưởng giá rẻ hơn. Một chủ cửa hàng ở tỉnh An Huy cho hay doanh thu của bà đã giảm 50%.
Bà nói: “Giá sản phẩm trên các nền tảng mua chung này thậm chí còn rẻ hơn mà giá mua hàng hóa của chúng tôi từ các nhà cung cấp. Làm sao chúng tôi tồn tại được đây?”.
Dù giá bán rẻ sẽ giúp thu hút nhiều khách hàng hơn, Danny Law, nhà phân tích ở Công ty Guotai Junan International Holdings, cho rằng mô hình bán hàng cho nhóm mua chung có nguy cơ vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc. “Cuộc triệu tập của SAMR là nhằm nhắc nhở các ông lớn internet không được trợ giá quá mức và bảo đảm họ phát triển dự trên một thị trường cạnh tranh công bằng”, ông Danny Law nói.
Bắc Kinh đang ngày càng thận trọng trước quyền lực của các tập đoàn công nghệ khổng lồ ở trong nước khi họ chi phối hầu hết mọi mặt đời sống hàng ngày ở Trung Quốc. Các nhà phân tích ở Ngân hàng Jefferies nhận định các động thái gần đây của Bắc Kinh cho thấy chính phủ Trung Quốc lo ngại hình thức mua chung theo nhóm sẽ ảnh hưởng đến khả năng kiếm lợi nhuận của các cửa hàng trực tiếp, khu chợ ướt, siêu thị cũng như các nhà cung cấp.
Dù vậy, họ cho rằng mô hình kinh doanh này sẽ được phép duy trì và các cửa hàng, siêu thị sẽ phải hợp tác với các công ty internet để tồn tại.
Cuộc chơi ‘đốt tiền’ mới?
Nhiều nhà quan sát thị trường tin rằng mảng kinh doanh mua chung theo nhóm sẽ là cỗ máy tăng trưởng tiếp theo của các công ty internet khổng lồ của Trung Quốc. Nhưng đối với Bắc Kinh, đó chỉ là một cuộc chơi ‘đốt tiền’ nữa nhằm thống lĩnh thị trường, thay vì tạo ra điều gì đó mới mẻ.
“Chỉ một vài công ty chiến thắng nhờ trợ giá hàng hóa. Hầu hết công ty buộc phải rời khỏi thị trường này. Chúng ta đã rút ra bài học từ cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực xe đạp dùng chung và gọi xe”, China Economic Times, tờ báo nằm dưới quyền quản lý của Quốc Vụ viện Trung Quốc, nhận định trong một bài xã luận hôm 24-12.
Còn Ernan Cui, nhà phân tích ở Công ty Gavekal Dragonomics, cho rằng các cơ quan quản lý Trung Quốc nhìn nhận rằng các công ty điều hành dịch vụ mua chung tạo thêm rất ít giá trị cho nền kinh tế tổng thể.
Ông nói: “Mọi người ai cũng cần mua rau quả. Nhưng liệu họ thực sự sẽ mua nhiều hơn nhờ dịch vụ mua chung? Rất khó để chứng minh. Nhưng mô hình này đang gây tổn thương quyền lợi của nhiều người”.
Theo Nikkei Asian Review, South China Morning Post
Xem thêm: lmth.-gnuhc-aum-gnat-nen-teis-noum-couq-gnurt/762213/nv.semitnogiaseht.www