vĐồng tin tức tài chính 365

'Make in Vietnam' và hành trình một năm chuyển đổi số

2020-12-30 17:53

'Make in Vietnam' và hành trình một năm chuyển đổi số

Chánh Trung

(TBKTSG Online) - Trong năm 2020 đã có 38 nền tảng số “Make in Vietnam” ra đời hỗ trợ cho việc chuyển đổi số của Chính phủ, Bộ ngành, doanh nghiệp, người dân…

Cục Tin học hóa, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết trong năm 2020 vừa qua đã có tổng cộng 38 nền tảng số do các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và triển khai phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cổng thanh toán quốc gia PayGov một trong những nền tảng số thuộc chiến lược “Make in Vietnam”. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông

Trong năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song các doanh nghiệp trong nước đã quyết tâm, kiên trì xây dựng, phát triển các sản phẩm số theo chiến lược “Make in Vietnam” đã được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai. 38 sản phẩm này không chỉ là nền tảng phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số mà còn là sản phẩm giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như tiếp tục phát triển trong tương lại.

Một trong những sản phẩm “Make in Vietnam” tiêu biểu có thể kể đến nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất Amis của Công ty phần mềm Misa. Đây là nền tảng quản trị toàn diện cho doanh nghiệp xoay quanh 4 mảng cốt lõi: tài chính, kinh doanh, nhân sự và điều hành. Mỗi mảng này được chia thành hàng chục ứng dụng nhỏ tương ứng với các nghiệp vụ trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp quy mô, nhu cầu đến đâu thì chọn sử dụng các ứng dụng tới đó. Việc này không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn đảm bảo sự liên kết chặt chẽ dữ liệu giữa các bộ phận.

Trong khi đó, nền tảng khai phá dữ liệu Viettel Data Mining Platform là nền tảng ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tiếng nói, các thuật toán khai phá dữ liệu, đồng thời kết hợp với kiến thức ngành chuyên sâu như tiếp thị (marketing), quản lý tài sản, quản lý tài chính, quản lý rủi ro,… Để giúp doanh nghiệp khai phá dữ liệu, tìm ra những vấn đề để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình ra quyết định nhằm cải thiện kinh doanh, chăm sóc khách hàng, tối ưu chi phí, kiểm soát rủi ro,…

Còn nền tảng FPT akaBot gúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình nghiệp vụ (RPA) với các “trợ lý robot ảo” có khả năng mô phỏng thao tác của con người, giúp thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn.

Nền tảng định danh điện tử VNPT eKyc giúp xác minh, nhận dạng và trích xuất thông tin chính xác từ hình ảnh và giấy tờ cá nhân. Nền tảng được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện dựa trên các công nghệ 4.0 mũi nhọn như: công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và Nhận dạng sinh trắc học (Biometric Recognition).

Những sản phẩm kể trên đã và đang được hàng trăm doanh nghiệp tại Việt Nam triển khai sử dụng. Các sản phẩm có chất lượng, có tính tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số. Sự đa dạng của sản phẩm thể hiện từ phần mềm, phần cứng đến giải pháp, nền tảng dựa trên nhiều công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR)...

“Các sản phẩm “Make in Vietnam” là những sản phẩm công nghệ số do người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam phục vụ công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia. Nhằm góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm khẳng định

Chiến lược “Make in Vietnam” nhằm phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đưa Việt Nam nằm trong top 30 cường quốc về công nghệ thông tin. Trong đó, một trong các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu này là chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Tiến hành cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo ở quy mô toàn dân, thúc đẩy khởi nghiệp, phổ cập công nghệ số, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 để thực hiện hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.

Với chiến lược “Make in Vietnam” Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết muốn có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế một cách chủ động, để từ đó cho ra đời các sản phẩm công nghệ số Việt Nam. Khi thực hiện chiến lược “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp sẽ phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, nhờ vậy phát huy động trí tuệ Việt Nam, giải quyết được bài toán Việt Nam. Giá trị gia tăng tại Việt Nam vì thế cũng sẽ cao hơn so với việc chỉ đơn thuần là gia công, lắp ráp.

Thông qua chiến lược “Make in Vietnam”, Việt Nam sẽ cải thiện được chất lượng tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế tự chủ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cách làm này sẽ giúp Việt Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định nếu không có “Make in Vietnam”, Việt Nam khó có thể trở thành một nước phát triển. Thị trường gần 100 triệu dân là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt, bởi không ai hiểu người Việt Nam, hiểu nhu cầu Việt Nam hơn chính người Việt Nam. Các sản phẩm “Make in Vietnam” xuất sắc sẽ là trụ cột trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển về kinh tế số.

 

Xem thêm: lmth.os-iod-neyuhc-man-tom-hnirt-hnah-av-manteiv-ni-ekam/462213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“'Make in Vietnam' và hành trình một năm chuyển đổi số”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools