Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước tính giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm đạt 35,49% kế hoạch và tương đương 39,15% kế hoạch Thủ tướng giao (ngang ngửa tiến độ cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, vốn trong nước đạt gần 41% và vốn nước ngoài hơn 14%.
Có rất ít bộ ngành, địa phương đạt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt, gồm 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số bộ, địa phương có tiến độ giải ngân cao như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (hơn 73%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (gần 52%), Tiền Giang (gần 64%), Thái Bình (58%), Phú Thọ (57%), Long An (55%).
Khoảng một phần ba địa phương và phần lớn bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 35%, trong đó có 3 địa phương và 27 Bộ giải ngân dưới 20%.
Thực tế việc giải ngân vốn chậm đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng năm 2022 có nhiều điểm đặc biệt. Ôngcho biết năm nay là năm thứ hai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng trong năm đầu, kế hoạch tới tháng 7/2021 mới thông qua nên việc triển khai thực chất bắt đầu từ đầu năm 2022 tới nay nên chậm.
Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ trưởng, hiện tâm lý các địa phương đều rất e ngại trong việc xử lý các thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư... dẫn đến chậm hơn so với yêu cầu. "Một số nơi không dám làm, ảnh hưởng tới tiến độ nói chung", ông Dũng cho biết.
Giữa tháng 8, Thủ tướng đã phân công các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương. 6 tổ công tác này sẽ đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân đến hết tháng 7 dưới mức trung bình của cả nước (hơn 34,47%).
Quỳnh Trang