Ngày 25-8, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, Câu lạc bộ (CLB) Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu đã tổ chức khai mạc triển lãm hình ảnh “Hành trình 10 năm Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”; tổng kết, trao giải cuộc thi ảnh với chủ đề “Hoàng Sa – Trường Sa – Nhà giàn DK1 trong trái tim tôi” và cuộc thi viết “Biển đảo trong trái tim tôi”.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động với chủ đề "Hành trình 10 năm vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu" do CLB thực hiện.
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm hình ảnh “Hành trình 10 năm Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”. Ảnh: HL |
Triển lãm trưng bày 51 ảnh đơn và 9 ảnh bộ. Các hình ảnh trưng bày tại triển lãm truyền tải phong phú, phản ánh đầy đủ các mặt cuộc sống sinh hoạt của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1; cuộc sống bình yên của nhân dân tại các đảo.
Triển lãm hình ảnh “Hành trình 10 năm Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu” khai mạch từ ngày 25-8. Ảnh: HL |
Theo Ban tổ chức, cuộc thi ảnh với chủ đề “Hoàng Sa – Trường Sa – Nhà giàn DK1 trong trái tim tôi” thu hút đông đảo sự quan tâm các nhiếp ảnh gia và những người yêu biển, đảo cả nước với 650 tác phẩm gồm 589 ảnh đơn và 61 ảnh bộ của 88 tác giả đến từ 23 tỉnh, thành phố trong cả nước. 11 tác phẩm xuất sắc được chọn trao giải.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Duy Tình nhận giải nhất cuộc thi ảnh với chủ đề “Hoàng Sa – Trường Sa – Nhà giàn DK1 trong trái tim tôi”. Ảnh: HL |
Bức ảnh “Phút chia tay” ghi lại khoảnh khắc cảm động trước giờ lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ thềm lục địa phía Nam Tổ quốc của người lính. Trong hình, thiếu tá Nguyễn Tiến Long (Chính trị viên Nhà giàn DK1/8) tạm biệt vợ con tại cầu cảng 171 Vũng Tàu.
Bức ảnh đạt giải nhất cuộc thi ảnh với chủ đề “Hoàng Sa – Trường Sa – Nhà giàn DK1 trong trái tim tôi”. Ảnh: HL |
Cuộc thi viết với chủ đề "Biển, đảo trong trái tim tôi" nhận được gần 1.000 bài dự thi của hơn 800 tác giả với các thể loại ký, phóng sự và thơ.
Các tác giả tham gia cuộc thi viết với chủ đề "Biển, đảo trong trái tim tôi" nhận giải. Ảnh: HL |
Đối tượng tham dự thi khá phong phú, đa dạng. Ngoài các nhà thơ, nhà báo, còn có rất nhiều tác giả là doanh nhân, thầy cô giáo, học sinh, sinh viên sống ở vùng biển, đảo và cũng có cả những người ở vùng cao Tây Bắc hoặc đã từng ra thăm Trường Sa hay ao ước được một lần đặt chân tới những hòn đảo máu thịt của Tổ quốc. Ban giám khảo đã trao 18 giải cho cá nhận và 3 giải tập thể cho các đơn vị tham gia tích cực cuộc thi.
Trong số các tác giả dự thi có một người lính đảo Trường Sa, anh viết trong email gửi Ban tổ chức: “Là người lính trở về sau trận Gạc Ma và CQ 88, tôi luôn đau đáu trong tim Trường Sa thân yêu”.
Anh gửi 6 tác phẩm dự thi, những câu chuyện của anh vô cùng chân thực, sống động, khắc họa cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thôn của người lính đảo, từ chuyện câu cá hay bắt bạch tuộc ở đảo, đến chuyện những người lính đã phải thích nghi ra sao với thời tiết, nắng gió khắc nghiệt của đảo.
Những câu chuyện nào cũng cũng tràn ngập những tình cảm đồng chí, đồng đội chân thành, tinh thần lạc quan và lòng tự hào được là người lính canh giữ những vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người lính ấy trở về đã theo học sư phạm Văn và trở thành thầy giáo dạy văn tại trường THPT Ngô Quyền, TP Nam Định. Đó là thầy giáo Nguyễn Duy Dương. Các giờ lên lớp, anh thường xuyên lồng ghép chủ đề giáo dục tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ, để giúp các em học sinh hiệu thêm những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt, hào hùng của cha anh ngày trước, để các em thêm tự hào và sống có trách nhiệm hơn.
Một số hình ảnh tại triển lãm “Hành trình 10 năm Vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu”:
Lá cờ Tổ quốc do các đảo và nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa tặng Quỹ học bổng Vừ A Dính và CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu. |
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng các khách mời tại triển lãm |
Thành viên các đoàn công tác ra Trường Sa đang xem kỷ yếu của các chuyến hải trình |
Trang phục đi thăm Trường Sa của các đoàn Quỹ học bổng Vừ A Dính và CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu". |
Cây bàng vuông F3 được ông Trương Minh Nhựt (hiện đã mất) mang về từ Trường Sa năm 2013. Đứng bên cây bàng là vợ, chị và em của ông Nhựt. |