Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định quyết tâm kéo giảm lạm phát đồng thời cảnh báo lộ trình lãi suất trong thời gian tới của Ngân hàng trung ương Mỹ có thể gây ra “tổn thương” cho nền kinh tế.
Bài phát biểu của ông Powell tại hội nghị Jackson Hole được giới tài chính toàn cầu chờ đợi. Ảnh: Reuters.
Dù đã bốn lần tăng lãi suất liên tiếp với tổng mức tăng 2,25%, ông Powell nhận định lộ trình tăng lãi suất “không có lý do để dừng lại” dù mức lãi suất hiện tại được đánh giá đang ở quanh ngưỡng trung lập (mức lãi suất không mang tính hỗ trợ đồng thời không kéo giảm tăng trưởng kinh tế).
“Lãi suất cao, tăng trưởng chậm và thị trường lao động bớt nóng là những gì chúng ta cần để kéo giảm lạm phát. Điều đó đồng nghĩa với việc các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ phải hứng chịu nhiều hơn những tác động tiêu cực”, ông chia sẻ. “Đó là cái giá không hề mong muốn nhưng buộc chúng ta phải trả để có thể kiểm soát đà tăng giá cả. Tuy nhiên, sự thất bại trong nhiệm vụ ổn định giá cả thậm chí sẽ mang lại những nỗi đau đớn lớn hơn”.
Chứng khoán Mỹ lao dốc sau khi ông Powell bắt đầu bài phát biểu của mình với chỉ số Dow Jones giảm hơn 450 điểm.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau bài phát biểu của ông Powell. Ảnh: FT.
Tuy nhiên, ông Powell cảnh báo Fed quan tâm nhiều hơn tới xu hướng trong dài hạn hơn dữ liệu của một tháng đơn lẻ. Cơ quan này sẽ tiếp tục lộ trình đã vạch ra trước đó cho tới khi nào lạm phát giảm về quanh ngưỡng mục tiêu 2%.
“Chúng tôi sẽ điều chỉnh quan điểm chính sách một cách linh hoạt để đạt được sự hiệu quả trong quá trình kéo giảm lạm phát về mốc 2%”, ông chia sẻ. Trong thời gian tới, “mục tiêu khôi phục ổn định giá cả yêu cầu Fed phải duy trì quan điểm siết chặt chính sách tiền tệ trong một khoảng thời gian. Lịch sử chứng minh rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm sẽ mang lại kết quả bất lợi”, ông Powell nói.
Kinh tế Mỹ vừa có hai quý sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) liên tiếp, một quan niệm phổ biến về suy thoái. Tuy nhiên, ông Powell cũng như phần lớn chuyên gia kinh tế tiếp tục duy trì quan điểm lạc quan về tình hình hiện tại của nền kinh tế số một thế giới.