Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị điều chỉnh giá xăng dầu vẫn đúng kỳ điều hành vào ngày 1-9. Trong ảnh: nhân viên thay đổi giá tại cây xăng trên đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Không điều hành đúng ngày sẽ thêm "lộn xộn"?
Với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Như vậy, có thể phải tới ngày 5-9 thì giá xăng dầu mới có thể được điều chỉnh.
Ngày 29-8, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có văn bản kiến nghị tới Bộ Công thương, cho hay giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục tăng, đặc biệt là mặt hàng dầu diesel, khi tính đến ngày 25-8 tăng 16,6% so với kỳ điều hành ngày 22-8.
Nếu chuyển sang ngày 5-9 mới điều hành thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá xăng dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn và đặc biệt là tạo tâm lý găm hàng, đầu cơ, gây bất ổn thị trường.
Vì vậy, Hiệp hội Xăng dầu kiến nghị vẫn cho điều hành giá xăng dầu vào đúng kỳ điều hành ngày 1-9.
Đến hôm 29-8, Bộ Công thương chưa xác nhận thông tin về phương án điều hành giá trong kỳ lần này.
Quản lý thị trường phải biết trước người dân hay báo chí
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho hay trước tình hình một số cây xăng găm hàng không bán, găm hàng gây dư luận không tốt nên đã có văn bản gửi các cục quản lý thị trường triển khai nghiêm túc các chỉ đạo trước đó.
Theo đó, các đội quản lý thị trường sẽ giám sát 24/24 giờ trong đợt cao điểm này, có trách nhiệm phải biết cửa hàng nào đóng cửa trước khi người dân hay báo chí phản ánh. Tổng cục sẽ xử nghiêm nếu buông lỏng quản lý địa bàn.
"Trường hợp do nhà cung cấp xăng dầu không giao, các cục quản lý thị trường phải làm việc với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý... Nếu phát hiện vi phạm xử lý trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo về tổng cục hay Bộ Công thương ngay", vị này cho hay.
Với tình huống phát hiện các cửa hàng hết hàng, đóng cửa, lãnh đạo tổng cục cũng cho biết đã đề nghị các cục ban hành quyết định kiểm tra hoặc giám sát các cửa hàng để làm rõ lý do.
Nếu các thương nhân cung ứng xăng dầu không cung ứng đủ hàng thì làm việc tiếp với các thương nhân cung ứng, làm rõ nguyên nhân.
Tại các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nếu hết hàng khi kiểm tra, giám sát phải đo bồn và đối chiếu hóa đơn mua bán hàng để xác định lượng hàng tồn kho.
Nếu hết hàng do chủ quan của doanh nghiệp và các vi phạm khác phải xử lý nghiêm; đảm bảo phải kiểm tra tất cả các việc liên quan khi cửa hàng bán lẻ thiếu hàng, hết hàng, đóng cửa.
Nhiều nơi vẫn nói đang hết hàng
Ngày 29-8, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại An Giang, Sóc Trăng, xuất hiện nhiều cửa hàng xăng dầu (cây xăng) đóng cửa hoặc treo bảng hết xăng, hết xăng còn dầu khiến người dân gặp khó.
Nói về việc này, ông Phạm Văn Cường - đội trưởng đội quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang - cho hay các lực lượng đang tích cực phối hợp tuần tra, kiểm tra các cây xăng và thậm chí xử phạt nghiêm nếu các cây xăng đóng cửa không chính đáng. Tuy nhiên, các cây xăng treo bảng hết xăng là hết thật qua việc đã kiểm tra bồn chứa. Nguyên nhân là đầu mối không cung cấp kịp thời.
Ông Võ Văn Chiêu, giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, cũng xác nhận những ngày qua trên địa bàn có một số trạm kinh doanh xăng dầu ngưng bán cục bộ do thiếu nguồn cung.
Theo ông Chiêu, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề có điều kiện, không phải nói ngưng bán là ngưng, nếu doanh nghiệp nào không chấp hành quy định sẽ bị phạt và có thể bị tước giấy phép kinh doanh.
Ông Hà Vũ Sơn, giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết năm đơn vị đầu mối lớn đảm bảo cung ứng đủ trong hệ thống; chỉ có thương nhân lấy chỗ này chỗ kia, không ổn định một chỗ nên nguồn cung không đảm bảo.
Vừa qua có doanh nghiệp xin tạm nghỉ hai ngày với lý do nhập hàng về chưa kịp, tuy nhiên sở không đồng ý. Qua tìm hiểu, doanh nghiệp này chưa chuyển tiền cho đơn vị đầu mối nên họ không cung cấp hàng. Sở Công thương đã yêu cầu các bên làm việc trên tinh thần hỗ trợ nên việc mua bán vẫn diễn ra bình thường.
"Doanh nghiệp có xin nghỉ bán cũng không cho, một là nghỉ bán luôn hoặc là chuyển qua nhập hàng từ các đầu mối lớn như Petrolimex, Petromekong", ông Sơn nói quan điểm bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo như vậy nhưng cũng chia sẻ với các doanh nghiệp do mức chiết khấu thấp.
Tại Bình Thuận cũng ghi nhận những ngày gần đây ngư dân tỉnh Bình Thuận đang khốn đốn tìm nguồn mua dầu diesel để tranh thủ ra khơi đánh bắt cuối vụ cá nam. Tuy nhiên hầu hết các cửa hàng chỉ bán cầm chừng, thậm chí không bán với lý do... hết dầu!
Trả lời câu hỏi: Giả sử có việc điều hành giá vào ngày 1-9 tới đây thì lượng xăng dầu cung ứng như thế nào? Ông Lê Thanh Mân, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex), khẳng định: "Xăng dầu luôn luôn được đảm bảo. Tuy nhiên do một số đại lý thua lỗ nên họ viện cớ đóng cửa hoặc không buôn bán và nếu có mất nguồn hàng thì chỉ là chuyện của những đầu mối nhỏ".
B.ĐẤU - Đ.TUYẾT - K.TÂM - L.DÂN - Đ.TRONG
TTO - Nhiều đại lý kinh doanh xăng dầu đang đóng cửa với nhiều lý do khác nhau như sức khỏe, gia đình có việc... Đây không phải là câu chuyện mới, nhưng có thể khẳng định việc một số cây xăng đóng cửa không phải là do thiếu xăng dầu.
Xem thêm: mth.3001908003802202-oig-42-42-uad-gnax-nab-noub-ceiv-tas-maig-es-gnourt-iht-yl-nauq/nv.ertiout