Sáng 29/8, tại lễ công bố Pháp lệnh được tổ chức tại Văn phòng Chủ tịch nước, giải thích về một số quy định liên quan việc tác nghiệp của nhà báo tại phiên tòa, Phó chánh án thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết trong quá trình soạn thảo Pháp lệnh, những vấn đề này đã được đặt ra.
Theo ông, ba luật tố tụng về Hình sự, Hành chính và Dân sự đều quy định việc ghi âm, ghi hình HĐXX, những người tiến hành tố tụng phải được sự đồng ý của những người đó. Vì thế, nội dung này cơ quan soạn thảo "không vẽ ra để gây khó khăn cho báo chí". "Đây là nguyên tắc đảm bảo quyền con người. Báo chí có quyền của báo chí nhưng người khác cũng có quyền công dân của họ. Khi thực hiện quyền của người này thì không được xâm phạm quyền của người khác", ông Tuệ nói.
Trước câu hỏi, tại phiên tòa, nhà báo phải xin phép thế nào để được ghi âm, ghi hình, Phó chánh án TAND Tối cao cho biết hiện "chưa có hướng dẫn cụ thể". Thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ ra quy định về việc này.
Lên tiếng về đề xuất phạt người ghi, phát trực tiếp hình ảnh (livestream) tại phiên tòa khi chưa được phép và sau đó cơ quan soạn thảo đã "rút lại" nội dung này chỉ sau 3 ngày, ông Tuệ giải thích trong hoạt động tố tụng, cụm từ "livestream" chưa có nên cơ quan soạn thảo đã điều chỉnh.
Tuy nhiên, theo ông, trong nghị quyết của Quốc hội về xét xử trực tuyến đã "có quy định không được phép livestream". Hơn nữa, livestream là vừa ghi hình, vừa phát, mà việc ghi hình khi chưa được phép cũng bị cấm nên đương nhiên livestream khi chưa được phép "có thể còn bị xử lý nặng hơn".
Theo Pháp lệnh được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/9, nhà chức trách sẽ phạt 7-15 triệu đồng với người ghi âm lời nói, hình ảnh của HĐXX mà không được sự đồng ý của chủ tọa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên xét xử vụ án dân sự, hành chính. Người không tuân theo sự điều hành của chủ tọa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự cũng bị phạt cùng mức.
Điều 22 quy định nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí. Nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí bị phạt từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.
Xem thêm: lmth.4505054-aot-neihp-maertsevil-iougn-tahp-ob-ceiv-hciht-iaig-oac-iot-dnat/ten.sserpxenv