Giây phút nghỉ trưa ngắn ngủi của Thu Hương cùng đồng nghiệp ở Nhật - Ảnh: NVCC
Ba trong số rất nhiều phận người ôm mộng đổi đời nơi xứ người này có lẽ chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" trong bức tranh xuất khẩu lao động, phần nào phản ánh được cuộc mưu sinh vất vả nơi xứ người, cũng bởi đồng tiền kiếm được chẳng mấy dễ dàng khi "ráo mồ hôi là hết tiền".
"Sống tốt cho hôm nay, chuyện mai, mai tính!"
Gác lại giấc mơ đứng trên bục giảng, 4 năm trước, Thu Hương (tên nhân vật đã thay đổi, 26 tuổi, ở Hà Tĩnh) lựa chọn đi xuất khẩu lao động ở Nhật.
Từng tốt nghiệp một trường đại học sư phạm, nhưng trước gánh nặng nợ nần của gia đình, cô lựa chọn rời bỏ quê hương.
Làm việc 8 tiếng mỗi ngày, thi thoảng tăng ca 1 - 2 tiếng, Hương nhẩm tính trung bình sẽ được nhận 25 triệu đồng/tháng chưa kể tiền ăn.
"Nếu trừ đi khoản chi phí ăn uống, tôi còn 20 triệu đồng để gửi về cho gia đình, nhưng có tháng đau ốm thì chỉ còn 10 - 15 triệu đồng. Đi xuất khẩu lao động 3 năm, toàn bộ số tiền công tôi đều gửi về giúp bố mẹ trả nợ" - Hương chia sẻ.
Nơi xứ người, cô nhiều lúc nhớ gia đình, nhớ quê hương da diết, nhưng nghĩ về bố mẹ đã giúp Hương vượt qua khó khăn.
Cô bộc bạch, chỉ nghĩ đến việc trả nợ cho bố mẹ mà chưa nghĩ đến tương lai riêng mình. Hương không tích cóp cho bản thân nên hiện tài khoản riêng chỉ "0 đồng". Điều cô mong muốn nhất là sống tốt cho hôm nay, chuyện mai, mai tính!
"Tôi rất muốn sống gần bố mẹ, nhưng hoàn cảnh không cho phép nên phải lựa chọn xa quê hương. Hiện nay còn phát sinh thêm những khoản nợ, thế nên có thể tôi sẽ phải gia hạn hợp đồng ở lại Nhật 4 năm hoặc 5 năm. Dù không hề muốn, tôi vẫn phải tiếp tục, khi nào bố mẹ hết nợ thì tôi mới về!" - cô quả quyết.
Thanh niên có nhu cầu tìm việc làm ở các công ty FDI được tư vấn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - Ảnh: H.QUÂN
Còn N.T.T. (ở Hà Tĩnh) đã phải bỏ ra một số tiền khá lớn để ôm mộng đổi đời.
Từng đỗ vào một trường đại học luật ở Hà Nội, nhưng đi học được 1 năm thì cô thấy bản thân không phù hợp với chuyên ngành. Chán nản cộng với việc anh trai khuyên nên chỉ sau 1 năm, T. rời bỏ giảng đường, lựa chọn đi xuất khẩu lao động ở Đức.
Ở Đức, T. làm ở một tiệm nail với khung thời gian từ 9h - 19h, nhưng vào mùa vụ đôi lúc phải kéo dài thời gian.
Quãng thời gian ở xứ người khiến cô dần quen với cuộc sống ở đó, T. chia sẻ nếu về nước sẽ rất khó để hòa nhập lại với cuộc sống ở quê.
"Nếu về nước sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, trong khi ở đây tôi đã tạm thời ổn định cuộc sống. Dù gặp không ít khó khăn nhưng những lúc đó nghĩ đến số nợ bỏ ra để được sang Đức, tôi phải cố gắng làm lụng hết sức mình" - T. bộc bạch.
Rời quê vì… sợ lấy chồng
Người ôm mộng đổi đời, người bất đắc dĩ đi xuất khẩu lao động để trả hết nợ nần, nhưng với Nguyễn Hiền Lương (tên nhân vật đã được thay đổi, ở Hà Tĩnh) lại lựa chọn bỏ xứ ra đi để tránh… lấy chồng sớm.
Tốt nghiệp một trường đại học ngoại ngữ, Lương cũng từng nuôi giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng ở quê, nhiều phụ huynh ép buộc con gái nghỉ học để lấy chồng sớm, bố mẹ Lương cũng không ngoại lệ.
"Nói là sớm cũng không hẳn, mà đúng ra là tôi sợ gia đình bắt phải lấy người mà mình không yêu. Không thể cãi lời bố mẹ, tôi lựa chọn rời quê để đi làm kiếm tiền, sau này có vốn lận lưng cho cuộc sống đỡ vất vả, tránh phụ thuộc vào người khác" - cô bộc bạch.
Đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Singapore, Lương làm công việc bán hàng ở siêu thị. Tùy từng yêu cầu của công ty, bình thường sẽ làm 8 tiếng/ngày, nhưng có lúc làm 12 tiếng, thậm chí 14 - 16 tiếng tùy vào lượng công việc.
Công việc vất vả nhưng đổi lại đồng lương được trả xứng đáng với công sức bỏ ra, có thể nhận thêm tiền hoa hồng, tiền thưởng tùy quy định của công ty, tùy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, một số người không may mắn gặp phải tình trạng "ma cũ bắt nạt ma mới", hay công việc không giống như trong hợp đồng ban đầu, mức lương thấp hơn.
Có ngày tan làm lên đến tàu điện là ngủ gục vì mệt quá, nhưng nghĩ đến số nợ đã bỏ ra để đi xuất khẩu lao động, Lương lại tiếp tục lao đầu vào công việc.
"May mắn mình có vốn ngoại ngữ khá tốt nên vượt qua được khó khăn ban đầu. Ở nước ngoài, cầm trên tay đồng tiền làm từ mồ hôi, nước mắt của mình bỏ ra càng thúc mình không được bỏ cuộc" - cô nói.
Hoàn thành hợp đồng, Lương về nước sau 3 năm làm việc. Nhưng "kịch bản cũ" lặp lại, bố mẹ giục cô mau chóng lấy chồng vì tuổi đã cao, sợ cô "quá lứa lỡ thì". Không chịu nổi sự thúc ép, cô tiếp tục lựa chọn rời bỏ quê hương.
"Giờ tôi chỉ mong có đủ sức khỏe, bình an mới "thuận buồm xuôi gió" kiếm được tiền nhiều để đỡ đần bố mẹ, lo cho cuộc sống của bản thân" - Lương bày tỏ.
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2013 đến nay, tổng số lao động của tỉnh Hà Tĩnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là gần 69.000 người. Bình quân có trên 7.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng/năm.
TTO - Theo tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền, "việc nhẹ lương cao" vẫn luôn là mong muốn của đa số người lao động. Tuy nhiên, thực tế chưa thấy có công việc nào thực sự nhẹ nhàng mà lương cao. Tác giả cũng đưa ra 9 giải pháp để tránh những cái bẫy này.