Lắng nghe những bộc bạch gan ruột của những người làm du lịch ở Việt Nam, càng hiểu vì sao chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại thốt lên: "Việt Nam là một đất nước không chịu phát triển!".
Từ tầng 19 khách sạn Fusion Suites nhìn xuống biển Vũng Tàu là một quang cảnh mà các doanh nhân du lịch đều tấm tắc "đẹp hơn cả Monaco".
Nhưng ở Monaco, đó là một vùng biển đầy du thuyền, thuyền buồm đậu chi chít ngay hàng thẳng lối, còn ở Vũng Tàu là những chiếc ghe, thuyền thúng bé tẹo của ngư dân neo đậu ngổn ngang.
Người Việt thường thích so sánh để rồi dựa vào đó mà phấn đấu vươn lên. Trong bóng đá, năm 1995, đội tuyển Việt Nam lần đầu vào chung kết SEA Games và thua Thái Lan 4 bàn trắng. Kể từ đó, bóng đá Thái Lan như "ông kẹ" với Việt Nam, cứ gặp họ là thua, kéo dài mãi như vậy dễ trong 20 năm trời.
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, một người mê bóng đá và có tinh thần dân tộc, đã hết sức bức xúc vì sự thua kém từ trong tâm lý này. Ông bỏ ra một số tiền lớn, đi sang Anh ký kết hợp tác mở học viện đào tạo cầu thủ trẻ với Arsenal; bỏ ra khoảng đất lớn ở Hàm Rồng (Gia Lai) lập nên học viện.
Ngọn lửa của bầu Đức lan tỏa, từ đó hàng loạt doanh nhân khác vào cuộc. Và bây giờ, Việt Nam đã hai lần vô địch SEA Games, đội tuyển quốc gia đá với Thái Lan ngang ngửa.
Về lịch sử, Vũng Tàu chiếm ưu thế khi được người Pháp bắt đầu xây dựng từ cuối thế kỷ 19 để biến nơi đây thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng; còn Pattaya đến năm 1960 vẫn còn là một làng chài vắng lặng.
Về địa lý, khoảng cách TP.HCM và Vũng Tàu là 110km, Bangkok - Pattaya là chừng 150km. Nhưng kết quả thì ai cũng đã biết: "đội" Bangkok - Pattaya hoàn toàn vượt trội về du lịch.
Vì vậy, du lịch Việt rất cần một người đốt lửa lên như doanh nhân Đoàn Nguyên Đức với bóng đá.
Cái khó đầu tiên là câu chuyện giao thông. "Một công ty du lịch lớn ở châu Âu cùng tôi đi khảo sát tuyến TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu. Mọi chuyện đều tốt đẹp cho đến khi quay về, chúng tôi đi từ Vũng Tàu về TP.HCM hết 4 tiếng.
Thế là họ một đi không trở lại, bởi họ bảo không khách nào chịu nổi chuyện di chuyển 110km hết 4 tiếng. Trong khi đó, từ Bangkok đi Pattaya luôn ổn định 2 - 2,5 tiếng" - ông Nguyễn Ngọc Toản, CEO Công ty Image Travel & Event, kể.
Chuyện giá cả thì khỏi nói. Người Thái không chăm chăm nhìn vào khoản thu từ tour, họ nhìn rộng hơn về nguồn thu từ các trung tâm mua sắm, dịch vụ vui chơi…
Cán bộ một công ty du lịch tên tuổi của Việt Nam kể chuyện cười ra nước mắt: "Chúng tôi tổ chức cho nhân viên đi nghỉ mát dịp hè, dù không tốn chi phí ăn ở nhưng tổng tour cũng chỉ bằng đi Thái Lan. Sau chuyến đi, ai cũng bảo biết vậy đi Bangkok - Pattaya vui hơn!".
"Bàn gì thì bàn, cứ trả lời cho du khách một cách thật phong phú trước ba câu hỏi này là ổn: Chơi gì? Xem gì? Ăn gì?" - ông Đỗ Tuấn Anh, Công ty Vietmark, đúc kết.
"21h ngày 8-6, tôi đứng ở ban công khách sạn nhìn xuống, thấy phía dưới là một khu chợ đêm ở Vũng Tàu. Trời ơi, chơi toàn đèn trắng như bệnh viện. Du lịch thì đèn nhấp nháy, màu mè một chút cho sôi động chứ.
2h sáng, tôi lại bước ra nhìn xuống, tất cả lặng thinh như tờ. Ở Bangkok, Pattaya, giờ đó mới là đỉnh của sôi động. Chúng ta nói về kinh tế đêm quá nhiều rồi, nhưng có ai làm gì đâu! Và như vậy thì làm sao mà đuổi kịp Bangkok - Pattaya?".
Một doanh nhân thuộc vào hàng chuyên gia du lịch, ông Phan Đình Huê than thở: "Bà Rịa - Vũng Tàu bảo sẽ tập trung phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo).
Họ bị hành thê thảm, xin giấy phép tổ chức hội thảo, hội nghị có yếu tố người nước ngoài khổ vô cùng, phải qua 4, 5 sở ngành, tốn hàng tháng trời là bình thường".
Ông A. (xin giấu tên vì còn phải làm ăn nên sợ bị ghét) bổ sung nỗi đau:
"Hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài là rất khổ. Một bài hát mở màn nếu là nhạc nước ngoài thì phải dịch ra tiếng Việt để kẹp vào hồ sơ. Bài phát biểu của các vị khách nước ngoài cũng vậy".
Anh T. thì kể: "Oái ăm nhất là mấy ông cấp be bé. Tôi dẫn một đoàn khách Pháp đến một thành phố lớn.
Chương trình tour kết thúc lúc 10h tối, nhưng vài vị khách trẻ bảo du lịch gì mà giờ đó phải đi ngủ rồi, họ yêu cầu tôi dẫn đi bar.
Ở quán bar đến 2h sáng thì bị kiểm tra, hai vị khách Pháp bị đưa về đồn, đến sáng hôm sau mới được thả. Kết quả đối tác của tôi ở Pháp tuyên bố không làm ăn với tôi ở tour đưa đến thành phố lớn này. Chạy tìm khách khổ lắm, nhưng mất thì dễ như bỡn!".
Chuyện nhỏ không bằng, chuyện lớn cũng không bằng thiên hạ. Chính sách là ví dụ điển hình.
"Tôi hay đưa đoàn đi Thái Lan. Ở Phuket, họ rất quyết đoán. Khi cuộc chiến Nga - Ukraine xảy ra, nắm được tình hình nhiều người Nga có tiền muốn né chiến tranh, Thái Lan có ngay chính sách đặc biệt: visa cho khách Nga vào Phuket nâng lên 6 tháng, thay vì 3 tháng như lâu nay; tuy nhiên chỉ ở Phuket mà thôi - ông Tuấn Anh kể - Đối tác của tôi ở Phuket phân tích rằng thống kê cho thấy mỗi người Nga chi tiêu bình quân 40 USD/ngày.
Như vậy mỗi người chi khoảng 7.200 USD/6 tháng. Hiện tại có khoảng 100.000 khách Nga ở Phuket. Và trong 6 tháng họ thu được ít nhất 720 triệu USD. Indonesia cũng áp dụng tương tự cho Bali".
Xem thêm: mth.3154417172603202-yah-iom-uac-auq-oc-ia-gnourt-naod-man-teiv-hcil-ud/nv.ertiout