Ngôi nhà chỉ dựa vào vài chiếc cột chống đỡ và nằm trên vách đá bên thác nước tồn tại hơn 2.000 năm. Vị trí này tạo cảm giác chỉ cần có gió to là nhà sẽ lắc lư, đổ sập. Người ta gọi đây là cổ trấn treo bên thác nước. Vậy, đây là chỗ nào và tại sao nó lại được xây dựng?
Đây là thôn Vương, một thị trấn được xây dựng trên một ngọn núi thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Trên thực tế, nơi này từng được đạo diễn Tạ Tấn chọn để quay "Phù Dung trấn" (năm 1986). Với sự nổi tiếng của bộ phim, thị trấn nằm ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Dậu Thủy sau đó đổi tên là Phù Dung. Kể từ đó, trấn cổ Phù Dung trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Thị trấn Phù Dung là nơi người dân tộc Thổ Gia đầu tiên định cư, lập nên chính quyền Vĩnh Thuận Thổ Gia.
Theo ghi chép trong sử sách, người đứng đầu của mỗi triều đại Thổ Gia đều xây hành cung, hay còn gọi là nơi nghỉ dưỡng, ở bên thác nước. Vì sao họ lại chọn vị trí xây dựng kỳ lạ như vậy?
Theo các chuyên gia, cổ trấn Phù Dung là nơi có vị trí đắc địa, độc đáo, với hai mặt vách đá dựng đứng, sắc nhọn như dao. Do đó, nếu ai đó muốn đi lên thì chỉ có thể đi từ hai bến thuyền. Dễ thủ khó công, cực kỳ hiểm yếu, chính là đặc điểm độc đáo của Phù Dung trấn.
Người Thổ Gia đã cai trị nơi đây trong hơn 800 năm. Trải qua vô số triều đại và chiến tranh loạn lạc, Phù Dung trấn cực kỳ phù hợp nếu xét tới yếu tố an toàn quân sự. Ngoài ra, khu vực này có lòng sông lớn, thích hợp cho thuyền bè qua lại. Vì vậy, nơi đây còn là tuyến đường thủy buôn bán tấp nập thời cổ đại.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc rằng vì sao có thể xây nhà ở chỗ khác nhưng người xưa lại chọn xây ở trên vách núi?
Vì sao nhà xây cheo leo bên thác nước 2.000 năm vẫn không đổ?
Thứ nhất, đây là kiểu nhà truyền thống. Các chuyên gia nhận định, kiến trúc ở Phù Dung trấn mang tính đặc trưng của miền nam Trung Quốc, được gọi là Điếu Cước Lâu, hay nhà cheo chân. Đây là một kiểu nhà sàn được xây dựa theo độ dốc của thế núi. Cụ thể, nửa sau nhà sẽ nằm trên bề mặt núi, còn nửa trước chìa ra ngoài, trụ là những cột chống gọi là Điểu Cước.
Thứ hai, xây nhà trên vách đá, vách núi để tiết kiệm đất. Đây là lý do quan trọng. Bởi thôn Vương (tên cũ của Phù Dung trấn) thời xưa có quy mô giống như thành phố Thượng Hải ngày nay, nơi được coi là tấc đất tấc vàng. Do đó, để vừa có chỗ ở, vừa đảm bảo an toàn, người dân không ngừng nới nhà ra ngoài rìa nhằm tăng diện tích sử dụng. Thậm chí, phần nằm ở ngoài vách đá cũng được người dân ở đây tận dụng bằng cách dựng cột chống.
Từ xưa đến nay, xây nhà cần phải tìm một chỗ có kết cấu đất ổn định và chắc chắn. Vậy, vì sao những ngôi nhà được xây dựng chênh vênh trên vách đá vẫn có thể tồn tại qua hàng nghìn năm?
Các chuyên gia phân tích rằng, khu vực này từng là biển. Lớp vỏ Trái Đất vận động khiến một bộ phận đá bị nứt ra và rơi xuống. Đá bị nước mài mòn và dần hình thành nên điều kiện địa lý như ngày nay.
Chính vì vậy, đá ở Phù Dung trấn đều hình thành từ trầm tích đáy biển nên cực kỳ rắn chắn. Hơn nữa, những ngôi nhà ở cổ trấn này đều được xây dựng tránh chỗ có khe nước. Vì vậy, nhìn bề ngoài những ngôi nhà cheo leo bên vách đá này có vẻ nguy hiểm. Nhưng kỳ thực, nền đất rất ổn định và các cột chống đều không tiếp xúc với nước. Một điểm thú vị là những ngôi nhà cổ ở Phù Dung trấn đều được xây dựng bằng gỗ và không dùng đinh sắt.
Những ngôi nhà độc đáo kết hợp với cảnh quan sơn thủy hữu tình của Phù Dung trấn chắc chắn gây ấn tượng mạnh đối với các du khách mỗi khi có dịp ghé qua nơi đây.
Thị trấn Phù Dung là nơi sinh sống chủ yếu của người Thổ Gia, một trong những dân tộc thiểu số lâu đời nhất ở Trung Quốc. Dân tộc này chủ yếu sinh sống tại các vùng thuộc các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh và Quý Châu. Bên cạnh du lịch, người dân địa phương ở Phù Dung trấn phát triển một số làng nghề như làm mì, thịt hun khói và chế tác sừng.