Trong tờ trình đề xuất Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, những ngày qua thế giới có nhiều thông tin tốt cho thị trường gạo trong nước. Trong đó, Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, Ấn Độ và UAE tạm dừng xuất khẩu gạo. Ngoài ra, El Nino - tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo toàn cầu.
Tại Việt Nam, tình hình sản xuất gạo trong nước khá thuận lợi. Để khẳng định vai trò quan trọng ngành hàng gạo trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, Bộ đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Bộ cũng đề xuất Chính phủ giao Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ, giá cả trong khu vực và trên thị trường thế giới để có các biện pháp điều hành linh hoạt.
Về phía các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Đồng thời, cơ quan này chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ ngay các vướng mắc trong sản xuất lúa gạo, đảm bảo việc sản xuất, lưu thông, xuất khẩu được thông suốt.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm nay.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam bán ra ở mức 588 USD một tấn (tăng 55 USD một tấn so với cách đây 10 ngày).
Báo cáo của Hải quan cho thấy, hết tháng 7, xuất khẩu gạo đạt 2,58 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ, giá gạo bình quân 534 USD một tấn, tăng 9,2%. Dự kiến cả năm 2023 xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo và thu về 4,1 tỷ USD.
Thi Hà