Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giảm gần 50% khối lượng công việc của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh trong tầm soát và phát hiện dấu hiệu ung thư vú, cũng như phát hiện ung thư chính xác hơn 20% so với phương pháp sàng lọc truyền thống.
Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu do các nhà khoa học Thụy Điển thực hiện và được công bố ngày 2-8.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã xem xét kết quả chụp X-quang vú của 80.000 phụ nữ ở 4 địa điểm miền Tây Nam nước này trong giai đoạn từ tháng 4-2021 đến tháng 7-2022. Phim X-quang tiếp đến được phân chia ngẫu nhiên cho một hệ thống do AI hỗ trợ, hoặc nhóm đối chứng gồm hai bác sĩ chẩn đoán hình ảnh để phân tích.
Phân tích của AI sau đó được một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh khác kiểm tra lần cuối cùng.
Kết quả cho thấy AI có khả năng phát hiện thêm 20% số ca ung thư, tương đương thêm một trường hợp cho mỗi nghìn phụ nữ được sàng lọc. Trong khi đó tỉ lệ dương tính giả của hai nhóm giống nhau, ở mức 1,5%.
Cạnh đó, AI giúp giảm tải 44% khối lượng công việc do chỉ yêu cầu một bác sĩ hỗ trợ chẩn đoán thay vì hai người.
Bà Kristina Lang, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thuộc Đại học Lund (Thụy Điển) đồng thời là tác giả chính nghiên cứu, cho biết AI sở hữu tiềm năng lớn giảm bớt gánh nặng công việc cho các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.
Bà nhận định kết quả nghiên cứu này "đầy hứa hẹn", song chưa đủ để có thể triển khai AI phục vụ công tác sàng lọc.
Giáo sư tầm soát ung thư Stephen Duffy thuộc Đại học Queen Mary (Anh) đánh giá cao chất lượng nghiên cứu, nhưng cũng lo ngại thuật toán AI có thể chẩn đoán quá mức một số loại ung thư vú giai đoạn đầu là ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ (DCIS).
AI giúp rút ngắn thời gian tầm soát bệnh
Trong bối cảnh một số nước thiếu hụt nguồn nhân lực chẩn đoán hình ảnh, việc ứng dụng AI mang lại hy vọng về cải thiện độ chính xác và rút ngắn thời gian tầm soát cho người bệnh, bao gồm bệnh nhân ung thư.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong năm 2020 có hơn 2,3 triệu phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú và 685.000 người tử vong. Giới chuyên gia khuyến cáo người dân kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư.
Tại châu Âu, phụ nữ từ 50-69 tuổi được khuyến cáo chụp X-quang vú hai năm một lần và tham vấn kết quả với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh.
Theo các chuyên gia, nếu được kiểm soát ngay từ khi đang là “hạt mầm” thì sẽ ngăn chặn cơ hội bám chặt rễ di căn vào cơ thể, qua đó mang lại cơ hội lớn để cứu sống bệnh nhân ung thư.