Giá gạo trong nước và xuất khẩu tăng mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm đạt 4,84 triệu tấn, với giá trị gần 2,6 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Nga, UAE... là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam với giá trị, chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao thu nhập.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam bán ra ở mức 588 USD/tấn, đã tăng 55 USD/tấn so với cách đây 10 ngày. Thị trường trong nước cũng bắt đầu tăng ở cả 3 miền.
Hà Nội, giá gạo tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg theo từng loại gạo, còn các khu vực khác tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg.
Tại miền Tây, giá lúa trong nước nhiều ngày qua cũng tăng thêm 400 - 500 đồng/kg lên 7.000 - 7.200 đồng/kg. Khu vực miền Bắc và Tây Nguyên giá lúa lên 9.000 đồng/kg so với đầu vụ.
Các thương lái cho rằng, nguyên nhân khiến giá gạo tăng cao do nhiều đầu mối và doanh nghiệp gom hàng. Lúa gần ngày cắt liên tục được đặt cọc với giá cao.
Giá gạo trong nước và xuất khẩu đang tăng mạnh. Ảnh minh họa.
Khuyến khích xuất khẩu gạo
Trước nhu cầu cao của thị trường lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại các vùng trọng điểm. Đến thời điểm này, cây lúa đang phát triển rất tốt. Ngành nông nghiệp khẳng định việc xuất khẩu gạo sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn cung trong nước.
Nhằm tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao, ngành nông nghiệp quyết định nâng diện tích sản xuất vụ thu đông ở Đồng bằng sông Cửu Long thêm 500 ha nữa. Dự kiến năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu từ 7,2 -7,5 triệu tấn gạo. Hiện tại, nhiều giải pháp đồng bộ đang được triển khai rốt ráo, từ khâu sản xuất đến thương mại.
Một trong những vấn đề nóng và được đặt nhiều câu hỏi nhất trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn vừa qua chính là việc sẽ ứng xử như thế nào trước những diễn biến mới của thị trường lương thực toàn cầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã đề xuất Thủ tướng xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo, nghĩa là Việt Nam sẽ chủ động nắm lấy thời cơ này.
Ngành nông nghiệp khẳng định việc xuất khẩu gạo sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn cung trong nước. Ảnh minh họa.
Những cánh đồng vụ hè thu khi đến mùa thu hoạch sẽ đem về hơn 11 triệu tấn thóc, bổ sung thêm một lượng gạo đáng kể phục vụ cho xuất khẩu. Đây cũng là vụ mùa được kì vọng đem lại thu nhập cao nhất cho nông dân và doanh nghiệp nếu chúng ta tận dụng được thời điểm vàng.
Cuối tuần này, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội nghị tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để cùng bàn giải pháp tính toán hợp lý giữa tận dụng cơ hội và cân đối tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, Việt Nam cũng tranh thủ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hạt gạo Việt.
Nhiều chuyên gia dự báo thị trường gạo có thể bình ổn trở lại vào nửa cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Việt Nam sẽ có hơn 1 năm để nắm bắt cơ hội này. Vì thế đây không chỉ là thời điểm Việt Nam tận dụng về giá, mà còn là lúc tranh thủ mở rộng thị trường, biến những khách hàng "lạ thành quen".
Doanh nghiệp chủ động lên phương án xuất khẩu gạo
Định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đưa ra sẽ tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nhiều đơn vị sẽ tăng cường tìm nguồn hàng từ nông dân để tích trữ, nhanh chóng kết nối với các đơn hàng mới. Nhưng bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp cũng cần thận trọng trong việc kí kết hợp đồng và hướng tới sự phát triển bền vững cho cả ngành hàng.
Trước thông tin các cơ quan nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng khá thận trọng, bởi tìm được nguồn hàng dồi dào ngay lập tức vào thời điểm này là không hề đơn giản. Còn nông dân cũng đang ngóng đợi giá khởi sắc hơn.
Mặc dù giá gạo đang nhích lên từng ngày nhưng thực chất nông dân và đặc biệt là doanh nghiệp chưa được hưởng lợi ngay bởi hiện vẫn giao hàng cho các đơn hàng cũ. Phải đến cuối tháng 8, đầu tháng 9, các doanh nghiệp mới bắt tay vào các đơn hàng mới giá cao.
Mặc dù giá gạo đang nhích lên từng ngày nhưng thực chất nông dân và đặc biệt là doanh nghiệp chưa được hưởng lợi ngay. Ảnh min họa.
Dự kiến trong vài tháng tới và nhất là thời điểm cuối năm số đơn hàng sẽ tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Việt Nam cần tăng thêm số doanh nghiệp đủ điều kiện xuất gạo vào thị trường này để tranh thủ cơ hội.
Nhu cầu từ các đối tác nhập khẩu trong nửa cuối năm 2023 cần ít nhất 4 triệu tấn gạo. Ngoài các thị trường nhập chất lượng gạo thường, Việt Nam vẫn cần tiếp tục đầu tư cho phân khúc gạo chất lượng bán giá cao. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư cho hệ thống kho chứa đạt chuẩn để chủ động trong mọi tình huống.
Thời điểm hiện tại, gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội thiết lập một đỉnh giá mới. Tuy nhiên, vẫn còn có tình trạng thương lái ép giá bà con, các mắt xích trong chuỗi liên kết còn lỏng lẻo. Dù giá gạo cao nhưng nông dân không được hưởng lợi.
Nếu cuộc sống, thu nhập của người làm ra hạt gạo không thay đổi, không bứt phá thì niềm vui không thể trọn vẹn, vị thế của hạt gạo chưa thực sự vững chắc. Vì vậy, cần nâng cấp, chuẩn hóa ngành hàng lúa gạo, tạo sự phát triển bền vững, trong tương lai.
VTV.vn - Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, UAE, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên vùng giá cao nhất 12 năm qua. Giá lúa cũng tăng hàng chục USD mỗi ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.21750411130803202-coun-gnort-gnuc-nougn-ned-gnouh-hna-gnohk-es-oag-uahk-taux/et-hnik/nv.vtv