Năm học tới, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ triển khai ở ba trong số bốn lớp cấp THCS là lớp 6, 7, 8. Đây là cấp học có nhiều môn tích hợp nên gây lúng túng cho giáo viên, nhà trường trong triển khai, thực hiện.
Mỗi nơi một cách
Theo chương trình mới, nội dung giáo dục địa phương ở cấp giáo dục trung học với 35 tiết/năm học cũng bao gồm nội dung của sáu phân môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc và mỹ thuật. Vì liên quan tới nhiều phân môn nên các trường phải giao về cho các tổ chuyên môn khác nhau cùng đảm nhiệm.
Môn nghệ thuật hiện cũng bao gồm hai phân môn âm nhạc và mỹ thuật. Môn này tuy có hai cuốn sách giáo khoa độc lập, giáo viên cũng bố trí riêng biệt nhưng việc kiểm tra, nhập điểm vào học bạ thì chung như một môn học.
Nhưng khó khăn nhiều nhất trong thực hiện vẫn là ở các môn khoa học tự nhiên (gộp từ các môn vật lý, hóa học, sinh học), môn lịch sử và địa lý (gồm lịch sử và địa lý) ở cấp THCS. Việc bố trí giáo viên và dạy các môn tích hợp này thế nào đang rất rối, mỗi nơi làm một cách.
Năm học trước, khi chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ triển khai ở lớp 6, lớp 7 của cấp THCS, tại Hà Nội phần lớn các trường có hai phương án bố trí giáo viên. Một là giáo viên dạy song song các phần lý, hóa, sinh như ba đơn môn.
Hai là dạy theo mạch sách giáo khoa nhưng ở mỗi phân môn, có giáo viên riêng đảm nhiệm. Cả hai cách này đều bộc lộ những bất cập.
Theo một giáo viên dạy hóa ở Trường THCS Thái Thịnh, thời gian đầu trường bố trí dạy song song các phần lý, hóa, sinh.
Nhưng với cách này tổng thể môn học bị thiếu logic. Thậm chí có kiến thức hóa liên quan tới toán nhưng học sinh lại chưa được học phần kiến thức toán là nền tảng để tiếp thu hóa.
Đánh vật với môn học
Tình trạng này cũng xảy ra ở một số trường THCS khác. Cô T.L., giáo viên THCS ở quận Hai Bà Trưng, cho biết việc dạy song song, có lợi thế là giáo viên duy trì ổn định số tiết dạy/tuần nhưng cả cô và trò đều mải miết, đánh vật với môn học.
Sau vài tháng, nhiều trường THCS thay đổi, chuyển về dạy học theo tiến trình các bài trong sách giáo khoa. Lần lượt dạy hết phần lý, đến hóa, sinh. Với cách này, đảm bảo an toàn hơn về yêu cầu chương trình nhưng lại đẩy các nhà trường, giáo viên vào tình thế rất vất vả.
"Chỉ dạy lớp 6 và lớp 7 thôi nhưng số tiết phải dạy trong tuần của tôi lên tới 25 tiết. Chóng mặt vì dạy. Không chỉ thấy sức khỏe không thể duy trì lâu dài, mà tôi thấy chất lượng dạy học cũng bất ổn.
Vì tôi không còn thời gian để suy nghĩ cho bài giảng, soạn giáo án, chuẩn bị học cụ. Trong khi chương trình mới đòi hỏi đổi mới phương pháp, phát huy tính tích cực của học sinh", cô T.L. cho biết.
Trong đợt tập huấn hè 2023 chuẩn bị cho năm học tới, nhiều hiệu trưởng, giáo viên THCS ở Hà Nội cũng lo lắng hơn. Trước đây mới chỉ có hai lớp 6 và lớp 7 học môn tích hợp đã rối nay thêm lớp 8 rồi năm tiếp theo là lớp 9, giáo viên không thể căng mình tăng tiết được nữa.
"Bố trí thế nào cũng rất bất cập. Trong khi học sinh đang học hóa, giáo viên hóa phải chạy 20 - 25 tiết/tuần thì giáo viên lý, sinh đảm nhiệm dạy lớp 8, lớp 9 chậm rãi vừa làm vừa nghỉ.
Rồi tới lượt mình dạy lớp 6, lớp 7 lại căng ra chạy. Cách bố trí lao động như thế rất khó đảm bảo hiệu quả. Năm tới thêm lớp 8, chưa biết tính thế nào", hiệu phó chuyên môn của một trường THCS quận Hai Bà Trưng chia sẻ.
Cấp tập tập huấn
Trong khi đó, những ngày hè, ngành giáo dục TP.HCM liên tục tập huấn cho giáo viên dạy môn tích hợp.
"Hiện chúng tôi vẫn đang trong thời gian tập huấn để dạy liên môn. Giáo viên chỉ được đào tạo để dạy môn vật lý. Nay yêu cầu chuyển sang hóa học, sinh học theo hướng tích hợp chỉ tập huấn như vậy vẫn cảm thấy chưa đủ về mặt kiến thức", một giáo viên bậc THCS nói.
Tuy nhiên, theo một giáo viên khác, cái khó nhất của việc dạy liên môn là giáo viên phải có kỹ năng tổ chức các hoạt động trong lớp học để đảm bảo tính linh hoạt, thực tiễn và có tính vận dụng cao đáp ứng chương trình mới.
Nếu muốn nhuần nhuyễn những điều này phải có kiến thức sâu rộng đầy đủ về các bộ môn liên môn.
"Để thay đổi phương pháp, giáo viên cần có nhiều thời gian tập luyện. Nhưng chương trình mới hiện đang thiếu giáo viên nên chúng tôi phải choàng gánh. Nhiều khi muốn rèn thêm, đọc thêm cũng không đủ thời gian để làm việc", cô giáo này chia sẻ.
Ở một số trường THCS tại TP.HCM, trong thời gian đầu việc dạy liên môn tích hợp diễn ra khó khăn nhưng hiện nay công việc đã đỡ hơn. "Năm đầu tiên chưa đào tạo kịp để dạy thì dạy tuyến tính.
Nghĩa là theo mạch của chương trình. Ví dụ, nếu môn sinh đi trước thì giáo viên sinh vào dạy trước. Đến môn hóa thì giáo viên hóa vào dạy sau.
Còn hiện nay, giáo viên chúng tôi đã được tập huấn rồi cùng với việc giáo viên hỗ trợ, bổ sung chuyên môn cho nhau việc dạy liên môn dễ dàng hơn rất nhiều", cô Nguyễn Thị Hồng Châu, hiệu trưởng Trường THCS Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết.
Cũng theo cô Châu, giáo viên dạy liên môn ở Trường THCS Tân Tạo hiện vẫn thiếu nhưng giáo viên trong trường vẫn choàng gánh được.
"Giáo viên choàng gánh được và dự kiến sẽ tuyển giáo viên được đào tạo bài bản về liên môn từ Trường ĐH Sài Gòn trong những năm tiếp theo. Hiện nay trường tôi sẽ không tuyển giáo viên dạy một môn để dạy liên môn nữa", cô Châu cho biết thêm.
Chưa có đội ngũ giáo viên sẵn sàng
Trong cuộc họp góp ý về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đây, bà Nguyễn Thị Doan - nguyên phó chủ tịch nước, chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng chưa có sự chuẩn bị một cách đồng bộ các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình - sách giáo khoa.
Vì thế việc thực hiện mới gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bà Doan đưa minh chứng về sự bối rối trong triển khai môn tích hợp và cho rằng một thầy không thể dạy cả ba môn khi chỉ qua một đợt tập huấn. Khi xây dựng chương trình, lẽ ra cần phải bắt đầu chuẩn bị đội ngũ giáo viên từ khi đó.
Ông Vũ Trọng Rỹ - phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý và giáo dục Việt Nam, là tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa môn khoa học tự nhiên lớp 6, 7, 8 - cũng cho rằng dạy môn tích hợp ở trường phổ thông hiện nay là một khó khăn vì chưa có đội ngũ giáo viên sẵn sàng.
Cũng chia sẻ về điều này, ông Trần Kiều - chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD-ĐT - cho biết vấn đề tích hợp đã được chuẩn bị từ năm 2000 nhưng "không ai làm gì" để chuẩn bị cho việc dạy môn học này.
Ông Kiều cho rằng hiện phải chấp nhận cách làm "vừa chạy vừa xếp hàng" vì không thể ngừng triển khai để chờ đủ điều kiện.
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 27-7 thảo luận nhiều vấn đề thuộc nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đã triển khai gần một thập niên qua.