vĐồng tin tức tài chính 365

Du lịch quốc tế dần hồi phục, khách sạn loay hoay tìm nhân viên

2023-08-05 03:54

Thiếu trầm trọng nhân sự

Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện một cơ sở lưu trú 3 sao chuyên đón khách đoàn quốc tế trên đường Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1, Tp.HCM chia sẻ, sau hơn 2 năm đóng cửa tạm nghỉ vì dòng khách ngoại quốc bị nghẽn bởi dịch bệnh, khách sạn này đã khởi động trở lại từ đầu năm 2023 bằng việc sơn sửa tân trang và tuyển dụng nhân sự.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng người lao động toàn thời gian và cả thời vụ ở mảng buồng phòng, nhân viên phục vụ bar-nhà hàng, bộ phận tiền sảnh là vô cùng khó khăn, "đỏ mắt" tìm người không ra.

"Với quy mô 96 phòng, có thể đáp ứng đoàn tối đa hơn 200 khách/ngày, nhưng lượng nhân viên buồng phòng hiện chỉ đáp ứng được 70% công suất. Trước nhu cầu du lịch quốc tế đang hồi phục, khách sạn đang cố gắng tuyển dụng thêm để đáp ứng công suất 100%. Hiện nhiều bộ phận như buồng, tiền sảnh và nhà hàng được điều phối hỗ trợ qua lại khi full phòng dẫn đến chất lượng dịch vụ bị giảm sút", đại diện khách sạn 3 sao nói.

Tình trạng này cũng đang diễn ra với một khách sạn trên đường Nguyễn Đăng Giai, phường Thảo Điền, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM khi “đã tối đa hóa việc xuất hiện thông tin tuyển dụng trên các kênh tuyển dụng, khuyến khích các nhân sự đang làm việc và các đối tác giới thiệu ứng viên nhưng lượt tiếp cận hồ sơ ít, không đủ số lượng đáp ứng”.

Tiêu dùng & Dư luận - Du lịch quốc tế dần hồi phục, khách sạn loay hoay tìm nhân viên

Sở Du lịch Tp.HCM đã tổ chức hội thi nghiệp vụ buồng phòng để nâng cao chất lượng nhân lực của các khách sạn.

Tại khách sạn Riverside Saigon, quận 1 có 100 phòng. Thông thường, 2 nhân viên (người dọn vệ sinh, người trải giường) phụ trách 14-18 phòng trong ca làm việc 8 tiếng. Tuy nhiên, ông Võ Minh Trung - Giám đốc khách sạn cho hay, nhân sự mảng buồng phòng chưa đến chục người, trong khi khối lượng công việc lớn.

Công việc không hề đơn giản vì đòi hỏi người làm phải được đào tạo bài bản, nhất là nhân viên trải giường. Người phụ trách công việc này có thể kiêm nhiệm việc dọn vệ sinh, nhưng người làm vệ sinh thì rất khó trải giường.

“Khách sạn đang thiếu nhân sự trải giường. Chúng tôi phải thuê nhân viên thời vụ từ các khách sạn, nhà nghỉ khác, đồng thời thuê nhân viên dọn vệ sinh từ công ty cung ứng dịch vụ theo giờ”, ông Trung nói.

Tương tự, đại diện Royal Hotel Saigon cho biết, rất ít lao động buồng phòng trở lại làm việc sau dịch COVID-19 nên doanh nghiệp “phải tìm tới các trường để tuyển dụng sinh viên chuyên ngành khách sạn, lưu trú. Đồng thời, liên hệ với đơn vị cung ứng lao động, kênh tuyển dụng, nhân sự cũ… để đảm bảo hoạt động của khách sạn”.

Cấp quản lý các khách sạn cho rằng, một trong những nguyên nhân gây thiếu nhân sự buồng phòng qua đào tạo do không ít người quan niệm bỏ thời gian 2-4 năm học cao đẳng, đại học lại đi làm công việc tạp vụ. Chưa kể, công việc này đòi hỏi thể lực vì phải thường xuyên di chuyển, nâng đồ đạc nặng…

Cần giải pháp trước mắt và lâu dài

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM cho hay, ngoài việc quan tâm đến đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch… hiện sở rất chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, như một trong những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và thương hiệu điểm đến cho Tp.HCM.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Tp,HCM, nguồn nhân lực du lịch hiện thiếu và yếu cả về chất lượng lẫn số lượng. Nguyên nhân là sự chuyển dịch nguồn lao động giữa các ngành nghề, các địa phương, chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đứt gãy, gián đoạn, 80% lao động nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề sau dịch.

Một trong các giải pháp được Sở Du lịch Tp.HCM áp dụng trong thời gian qua là vận động các cơ sở đào tạo tham gia các sự kiện của ngành như chương trình hợp tác liên kết các tỉnh, ngày hội, hội chợ du lịch. Cơ quan này cũng phối hợp tổ chức các sàn giao dịch việc làm chuyên ngành du lịch để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có cơ hội tiếp xúc và tuyển dụng nhân sự.

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho biết, nhân sự buồng phòng tại các khách sạn thiếu do các bạn trẻ thích sự năng động, trải nghiệm nhiều hơn nên chọn làm hướng dẫn viên du lịch. Với những nhân sự cũ của các khách sạn, nhà hàng, sau dịch, họ không quay lại công việc cũ.

Nguyên nhân cốt lõi vẫn là do mức lương thấp hơn các mảng khác. Nhân viên buồng phòng mới ra trường thu nhập bình quân chỉ từ 7-8 triệu đồng/tháng. Trong khi lĩnh vực này đòi hỏi nhân sự đầu vào phải có ngoại hình, ngoại ngữ.

Theo quy định của ngành du lịch, bình quân các khách sạn cần 0,96 lao động/phòng (mỗi hạng sao sẽ có những quy chuẩn riêng); căn hộ du lịch là 1 lao động/căn hộ; các nhà nghỉ, homestay cần 0,69 lao động/phòng.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều khách sạn, căn hộ, nhà nghỉ du lịch trên cả nước chưa đạt tỷ lệ lao động này. Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực của ngành khách sạn cũng còn hạn chế, nhất là về ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế.

Để thúc đẩy sự phát triển nhân lực, thời gian qua, cơ quan quản lý cũng đã có sự quan tâm đúng mức cho việc xây dựng, phát triển nhân lực ngành du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2030".

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã có kiến nghị ban hành Chương trình phục hồi lao động trong ngành du lịch, với đề xuất hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động thông qua doanh nghiệp du lịch hoặc Hiệp hội Du lịch. Mức kinh phí hỗ trợ là 50% chi phí đào tạo từ ngân sách trung ương hoặc địa phương, thực hiện trong 2 năm 2023-2024.

Nhu cầu lớn, nguồn tuyển eo hẹp

Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam hồi tháng 7/2023, hiện tại số lượng nhân sự trong cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt khoảng 350.000 người, đáp ứng chưa đến 70% nhu cầu của ngành.

Với số cơ sở hiện có, nếu đạt công suất hoạt động trên 70%, ngành du lịch cần tới 507.000 lao động trong các cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 50.000 nhân sự quản trị.

Mỗi năm, ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Tuy nhiên, học viện du lịch chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên hàng năm, và tỷ lệ đào tạo chuyên nghiệp trong ngành du lịch chỉ chiếm 43% tổng số nhân lực.

Xem thêm: lmth.606916a-neiv-nahn-mit-yaoh-yaol-nas-hcahk-cuhp-ioh-nad-et-couq-hcil-ud/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Du lịch quốc tế dần hồi phục, khách sạn loay hoay tìm nhân viên”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools