Hôm 4-8, quan chức quân đội Ukraine bất ngờ tiết lộ mục tiêu tái chiếm các vùng đất gần thành phố Bakhmut.
Đây là thành phố nằm ở miền đông Ukraine, và là một trong những chiến trường đẫm máu nhất trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
* Ukraine muốn tái chiếm Bakhmut
"Người Nga đang đưa số lượng lớn hỏa lực tới khu vực Bakhmut. Điều quan trọng với chúng tôi là thiết lập lợi thế tại các khu vực này", Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar nói trên truyền hình quốc gia.
Theo bà Maliar, Ukraine đang có những tiến bộ "chậm nhưng tự tin" tại miền nam thành phố Bakhmut. Trong khi đó, Kiev đang kiểm soát một số vị trí tại phía bắc nơi này giữa lúc nhiều cuộc chạm trán khốc liệt diễn ra.
Bakhmut bị Nga kiểm soát kể từ tháng 5 sau thắng lợi của lực lượng lính đánh thuê Wagner. Ukraine đã khởi động cuộc phản công hồi tháng 6 với mục tiêu tái chiếm các vị trí bị Nga kiểm soát tới nay.
Kiev muốn tiến về phía nam tới Biển Azov, cắt đứt cây cầu trên đất liền nối bán đảo Crimea và khu vực Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine.
* Cầu Crimea an toàn sau mối đe dọa tấn công
Hôm 4-8, người dân tại eo biển Kerch nghe thấy tiếng động lớn, nghi cầu Crimea tiếp tục bị tấn công. Tuy nhiên ông Oleg Kryuchkov - cố vấn của lãnh đạo bán đảo Crimea - thông báo trên Telegram rằng tiếng động lớn nêu trên không liên quan gì tới cầu Crimea.
"Một mối đe dọa tấn công đã được công bố. Sau khi vụ này bị ngăn chặn, giao thông sẽ được khôi phục", thông báo viết.
Cầu Crimea là tuyến đường nối đất liền Nga với bán đảo Crimea, vốn sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Cây cầu này thường xuyên là mục tiêu tấn công trong vài tháng gần đây, thời điểm xung đột Nga - Ukraine căng thẳng với màn phản công của Kiev.
* Triều Tiên chỉ trích chương trình hạt nhân của Mỹ
Phái đoàn thường trực của Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc chỉ trích Mỹ sở hữu vũ khí hạt nhân, kêu gọi Washington dừng "chia sẻ hạt nhân" hoặc cái gọi là "tăng cường khả năng răn đe mở rộng", Hãng thông tấn KCNA đưa tin ngày 5-8.
Lâu nay, chương trình hạt nhân của Triều Tiên là tâm điểm chỉ trích của Mỹ và phương Tây, cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, Triều Tiên cho rằng chính Mỹ đang đẩy mạnh việc chia sẻ hạt nhân thông qua các chương trình hợp tác, ví dụ liên minh AUKUS (Úc, Anh, Mỹ), và nhóm tham vấn vấn đề hạt nhân (NCG) với Hàn Quốc.
Trong tuyên bố vừa qua, Bình Nhưỡng bảo vệ chương trình hạt nhân của mình và cho rằng đó là việc thực thi chủ quyền.
* Tây Phi lên kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger
Hôm 4-8, Nhóm Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tuyên bố đã lên kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger nếu cuộc đảo chính ở Niger không chấm dứt trong ngày 6-8 tới.
Niger đang là tâm điểm sau vụ đảo chính từ giữa tháng 7 qua, khi Tổng thống Mohamed Bazoum đã bị bắt giữ. Tướng Abdourahamane Tchiani, từng lãnh đạo lực lượng bảo vệ tổng thống, đã tuyên bố lên nắm quyền.
ECOWAS đã cố gắng làm trung gian giải quyết vụ đảo chính này nhưng chưa có tín hiệu thành công. Nhiều nước đã sơ tán công dân khỏi Niger trong bối cảnh an ninh căng thẳng ở quốc gia Tây Phi này.
* Lãnh đạo đối lập ở Nga bị phạt tù bổ sung
Hôm 4-8, Nga tuyên án 19 năm tù đối với ông Alexey Navalny, nhà lãnh đạo đối lập nổi bật ở Nga. Ông Navalny, một trong những người chỉ trích Tổng thống Putin, bị cáo buộc nhiều tội danh liên quan tới hành động theo chủ nghĩa cực đoan
Ông Navalny ngược lại tố cáo chính quyền Nga muốn dùng trường hợp này để răn đe những người có quan điểm chống đối.
* Nguy cơ Mỹ và Iran đụng độ trực tiếp
Quân đội Mỹ đang lên kế hoạch đưa thủy quân lục chiến và thủy thủ lên các tàu thương mại của các công ty tư nhân. Đây là động thái nhằm ngăn nguy cơ tàu, thuyền bị Iran bắt giữ ở Trung Đông, theo lời các quan chức Mỹ ngày 3-8.
Báo Washington Post cho rằng động thái leo thang này có thể đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc đối đầu trực tiếp.
* Nga áp dụng thuế phụ thu đối với các doanh nghiệp lớn
Hôm 4-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành luật áp dụng thuế phụ thu đối với các doanh nghiệp lớn. Chính sách này không áp dụng với công ty dầu khí và sản xuất than.
Các doanh nghiệp nộp thuế này trước ngày 30-11 sẽ được giảm 50% tiền đóng. Phần thuế thu lần này được đưa vào ngân sách liên bang, ước tính gần 3,5 tỉ USD.
Hành trình khổ ải
Phương Tây kỳ vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò trung gian đưa Nga quay lại thỏa thuận ngũ cốc, nhưng đáp án lại nằm ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).