... Và cả cách họ tổ chức liên hoan phim quốc tế tại một địa danh hẻo lánh, nghèo ở đất nước này.
Lần thứ ba, tôi đến với Kuching. Mỗi liên hoan phim đều có một tiêu chí riêng biệt để theo đuổi. Với AIFFA đó là tôn vinh và làm phong phú thêm những sắc màu văn hóa của khu vực ASEAN.
Công chúng bên ngoài có thể nghĩ, liệu một liên hoan phim chỉ với ba ngày ngắn ngủi như AIFFA sẽ làm được gì, ngoài những bộ phim và những buổi lễ thường thấy. Ban đầu, tôi cũng nghĩ vậy.
Nhưng khi được đến AIFFA với nhiều vai trò khác nhau, đủ thời gian chứng kiến và thẩm thấu những gì mà ban tổ chức liên hoan phim đã làm, tôi thấy cảm phục người Malaysia hơn.
Với họ, điện ảnh không chỉ là điện ảnh, nó còn là cánh cửa rộng mở để khuếch trương văn hóa, gắn kết với du lịch. Nhưng đâu phải tự nhiên mà họ có thể làm và làm được điều đó.
Thứ nhất, có bột mới gột nên hồ. Kuching có thể nghèo trên bình diện thương mại và kinh tế nói chung so với các khu vực khác của Malaysia. Thế nhưng hòn đảo nhỏ bé, bình yên và thậm chí là hẻo lánh này lại không hề nghèo về các thực thể văn hóa và du lịch.
Bên trong Bảo tàng Văn hóa Sarawak tại Kuching - Ảnh: HỒNG ÁNH
Văn hóa bảo tàng ở Kuching phát triển đến mức, cứ vài trăm bước chân là tôi lại có thể "vấp" ngay vào một bảo tàng, từ bảo tàng văn hóa, bảo tàng dân tộc, tự nhiên, cho tới bảo tàng… mèo.
Tất cả, dù thuộc sở hữu của chính quyền bang Sarawak, hay tư nhân, cũng đều được tổ chức bài bản và thân thiện.
Rất nhiều các hoạt động của liên hoan phim được tổ chức tại một bảo tàng hoặc một công trình cổ kính nào đó. Người ta dùng điện ảnh để công chúng đến với văn hóa địa phương. 34 bộ phim tranh giải chính thức được chiếu miễn phí, trong những ngôi nhà cổ tuổi đời trăm năm.
Lịch chiếu phim miễn phí, tặng kèm bắp và kem tại liên hoan phim - Ảnh: BTC
Ngoài bảo tàng "đúng chuẩn", ở quanh Kuching có nhiều "bảo tàng" lộ thiên. Những khu phố cũ nhỏ xinh khiến trầm tích văn hóa không chỉ bó hẹp trong những vật phẩm trưng bày.
Chuỗi festival ẩm thực liên tục được tổ chức trong khu phố Tàu, phố Ấn… Chạm tay vào văn hóa chính là cách những người làm điện ảnh Malaysia lôi kéo "dân phim" và du khách mê điện ảnh.
Liên hoan phim ở Kuching nhận được sự hỗ trợ đồng bộ từ trên xuống dưới của chính quyền bang Sarawak. Ở đây, tôi có thấy các nhà lãnh đạo cấp cao, từ thủ hiến bang, bộ trưởng đến thứ trưởng văn hóa "xuống đường".
Họ hòa vào thế giới của những nhà làm phim đến từ các quốc gia Đông Nam Á, giản dị, vui vẻ chào đón mọi người.
Thậm chí, họ còn tự tin hướng dẫn khách mời của liên hoan phim về Sarawak và Malaysia. Không một hướng dẫn viên du lịch nào có sức ảnh hưởng và thu hút bằng những con người này.
Quan chức bang Sarawak trong các hoạt động của liên hoan phim - Ảnh: BTC
Riêng cái tên của cơ quan bảo trợ cho liên hoan phim cũng nói lên nhiều điều: Bộ Du lịch, Công nghiệp sáng tạo và Nghệ thuật biểu diễn. Rõ ràng điện ảnh, văn hóa, du lịch là một.
Những người điều hành AIFFA biết cách tạo cân bằng giữa các bên liên quan. Điều này khiến tôi cảm thấy thực sự thoải mái.
Người Malaysia làm liên hoan phim rất khéo léo. Tôi nhẹ nhõm khi được làm việc trong "không khí" dễ thở. Không có bên nào được phép tự cho là mình quan trọng để đứng trên người khác.
Các nhà làm phim, hiệp hội điện ảnh, mạng lưới kết nối sáng tạo, công ty tài trợ, tình nguyện viên… đều hành động với một thái độ khiêm nhường, không lấn át. Họ sẵn sàng hợp tác, không đòi hỏi quyền lợi lộ liễu. Họ vui vẻ đứng đằng sau, chỉ để đem lại thành công cho liên hoan phim ở Kuching.
Người Malaysia làm điện ảnh - du lịch một cách giản dị nhưng hiệu quả. Kuching nghèo, nhưng khi cần thì Kuching vẫn chi mạnh.
Lần tổ chức nào, AIFFA cũng mời được một ngôi sao điện ảnh quốc tế tham dự. Ban tổ chức luôn biết cách hài hòa mọi thứ.
Những vị khách mời siêu sao xuất hiện ở liên hoan phim rất chừng mực. Họ đến là vì điện ảnh, để tạo cảm hứng và không làm lu mờ các hoạt động điện ảnh tại nơi đây.
Hình ảnh Bi Rain trên ấn phẩm đặc biệt của liên hoan phim - Ảnh: BTC
Từ AIFFA, các bộ phim được lựa chọn không chỉ gây tiếng vang trong khu vực, mà còn mở rộng phạm vi ra bên ngoài, vô hình trung trở thành một công cụ quảng bá hiệu quả cho văn hóa và du lịch của mỗi quốc gia.
Tôi có một mong muốn, hay đúng là hơn là một niềm tin: Điện ảnh không chỉ mang lại một bộ phim. Nó có thể mang tới những hiệu quả và những giá trị to lớn hơn. Điều quan trọng là những người tổ chức một liên hoan phim muốn dùng điện ảnh để thực hiện mục tiêu nào mà thôi.
Từ Kuching, Malaysia, đạo diễn - diễn viên Hồng Ánh, giám khảo Liên hoan phim quốc tế ASEAN, viết riêng cho Tuổi Trẻ câu chuyện phát triển du lịch bằng điện ảnh, cách người Malaysia dựng ngành công nghiệp sáng tạo.