Nếu không được tiêm vắc xin từ sớm, có lẽ máu lửa nghề nghiệp cũng sẽ phải chào thua trước sự khốc liệt của thực tại lúc bấy giờ.
Hồi hộp chờ lô vắc xin đầu tiên
Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Số người mắc ngày càng tăng, tất cả đều loay hoay tìm cách chống chọi với cơn đại dịch chưa có tiền lệ.
Dịch diễn biến nhanh, phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề. "Bóng ma" COVID-19 ám ảnh mỗi cá nhân, gia đình và đến cả ngành y tế.
Chính vì chưa có trong tiền lệ nên kinh nghiệm là số 0 tròn trĩnh. Các biện pháp phòng bệnh rất khó khăn, dịch ở đâu phải phong tỏa ở đó, căng quá thì phải giãn cách xã hội, việc này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội và cả tâm lý người dân.
Thời điểm đó niềm tin, sự kỳ vọng tất cả đều trông chờ vào vắc xin. Tôi vẫn nhớ như in 11h trưa 24-2-2021, lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất trong sự mong đợi của mọi người.
Được thông báo từ hôm trước, dù biết giờ hạ cánh là buổi trưa, tôi cùng các đồng nghiệp đã có mặt từ rất sớm để làm thủ tục. Ai cũng mong đợi được tận mắt chứng kiến những lọ vắc xin - cứu cánh cho tính mạng người dân lúc bấy giờ.
Máy bay hạ cánh, những kiện vắc xin được đưa ra sau khi khử khuẩn và bảo quản kỹ lưỡng. Toàn bộ quá trình được giám sát nghiêm ngặt bằng camera hành trình.
Sự nỗ lực, chủ động của Hệ thống tiêm chủng VNVC và Công ty AstraZeneca đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trong khu vực châu Á tiếp cận với vắc xin ngừa COVID-19.
Lô vắc xin có 117.600 liều, nằm trong hợp đồng đặt mua 30 triệu liều AstraZeneca của Bộ Y tế ký với Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Như vậy ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Việt Nam đã chính thức có vắc xin nhập khẩu sau nhiều tháng nỗ lực đàm phán.
Vững tâm tác nghiệp tại các điểm nóng
Thời gian đầu, khi chưa được tiêm vắc xin, việc tác nghiệp ở những điểm nóng là áp lực rất lớn đối với tôi. Cũng như nhân viên y tế, tôi không cho phép mình được phép sơ hở. Bởi nếu bị lây nhiễm, sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng sẽ bị đe dọa.
Sau khi có vắc xin, tôi cùng các đồng nghiệp may mắn được tiêm sớm vì nằm trong danh sách tuyến đầu chống dịch, chiếc "áo giáp" này giúp tôi an tâm ra vào những khu hồi sức COVID-19, các bệnh viện dã chiến, khu xử lý rác thải y tế…
Hình ảnh những bệnh nhân thở máy, những nhân viên y tế ướt đẫm mồ hôi, mệt lả trong bộ đồ bảo hộ. Hay ám ảnh hơn là hình ảnh những túi đen đựng thi thể người mất vì dịch được đẩy ra kèm theo âm thanh của xe cấp cứu trong buổi chiều mưa khiến tôi rợn người.
Có lần bác sĩ Trần Thanh Linh, trưởng khoa hồi sức cấp cứu (ICU) Bệnh viện Chợ Rẫy (lúc đó được phân công làm phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19), chia sẻ với tôi: "Đa số những bệnh nhân nặng đều chưa tiêm vắc xin. Giá như họ được tiêm trước đó thì việc điều trị có lẽ đã dễ thở hơn rất nhiều và cơ hội giữ lại mạng sống cho họ sẽ cao hơn".
Qua đó mới thấy tầm quan trọng của vắc xin là như thế nào! Chưa bao giờ ranh giới giữa sự sống và cái chết lại gần đến vậy.
Mỗi giờ, mỗi phút trôi qua đều là sự nỗ lực giành giật sự sống của cả đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân. Sự khủng khiếp ấy của dịch bệnh trước giờ chưa ai tưởng tượng ra được.
Sau khi vắc xin được tiêm rộng rãi cho người dân, số ca bệnh giảm dần. Dẫu rằng có người tiêm vắc xin vẫn mắc COVID-19 nhưng các triệu chứng đã nhẹ và thời gian điều trị cũng ngắn hơn rất nhiều. Dần dần chúng ta đã tạo được miễn dịch cộng đồng và bước qua được đại dịch.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Đơn vị đồng hành nhận thấy có nhiều bạn đọc quan tâm đến cuộc thi, đặc biệt là cán bộ nhân viên của VNVC và báo Tuổi Trẻ đã hưởng ứng tham gia tích cực.
Đơn vị đồng hành quyết định trao tặng 2 phần quà nhằm khích lệ tinh thần tham dự của các cán bộ nhân viên tham gia tích cực hưởng ứng cuộc thi viết, trong đó có 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của VNVC và 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của báo Tuổi Trẻ.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Đợt dịch COVID-19, tối ngủ nghe tiếng máy bay, tôi và mẹ đùa nhau đó là máy bay chở… vắc xin. Đây được xem là "lời nói dối ngọt ngào" của tôi trong thời điểm chưa tiêm ngừa để phần nào yên tâm.