,
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam - cho biết đây không phải là trường hợp hy hữu. Khá nhiều phụ nữ thực hiện phương pháp trẻ hóa làn da bằng peel nhưng đẹp đâu chưa thấy mà phải nhập viện trong tình trạng da tổn thương nghiêm trọng.
Viêm da vì kem peel mua trên mạng
Điển hình như chị P. đến khám với tình trạng làn da bong tróc như da rắn, ửng đỏ như bị bỏng.
Chị P. cho hay do da có mụn ẩn, lỗ chân lông to, xuất hiện sẹo lõm nên đã lên mạng và được giới thiệu liệu trình peel da nhằm cải thiện tình trạng này.
Sau khi được giới thiệu về sản phẩm, chị P. đã tin người bán kem peel với lời hứa sau khi thực hiện 1 liệu trình, da mới tái sinh tạo ra làn da mịn như da em bé. Chị P. đã đồng ý mua liệu trình peel da với giá 2 triệu đồng.
Sau khi thực hiện peel da như hướng dẫn, chỉ sau 1 ngày chị P. đã thấy xuất hiện da tổn thương đỏ, đau rát.
"Tôi có liên hệ với người bán thì được trả lời sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên (rễ cây) sẽ gây rát nhẹ và đặc biệt càng bong tróc nhiều thì càng tốt, da sẽ rất nhanh đẹp.
Tuy nhiên, những ngày sau đó da mặt tôi vẫn tiếp tục bỏng rát, từng mảng da thẫm màu loang lổ, lột như da rắn và có cảm giác vô cùng khó chịu... nên tôi đã đến bệnh viện thăm khám", chị P. cho hay.
Bác sĩ Thành cho biết qua thăm khám cho thấy chị P. bị viêm da tiếp xúc kích ứng, biến chứng tăng sắc tố sau viêm, có nguy cơ bị thâm và sẹo lâu dài do chị sử dụng các chất có tác dụng lột tẩy mạnh.
"Peel da đang được nhiều chị em áp dụng và peel da thực sự mang lại hiệu quả tốt cho da, nhưng đây là phương pháp làm dưới sự giám sát của bác sĩ.
Nếu tự ý áp dụng không đúng liều lượng, không có sự giám sát của các bác sĩ da liễu rất có thể sẽ gây tổn thương da nặng.
Như tình trạng da của chị P., thời gian điều trị phục hồi rất lâu, cần sử dụng nhiều công nghệ và phương pháp để phục hồi da, rất tốn kém nhưng cũng khó phục hồi được như trước", bác sĩ Thành nêu rõ.
Cần sự tham vấn của bác sĩ
Chia sẻ về phương pháp peel da, bác sĩ Thành cho hay nguyên lý peel da chính là sử dụng các hoạt chất lành tính: acid BHA, AHa, retinol, TCA, có tác dụng chăm sóc và làm đẹp da, tác động vào bề mặt - thượng bì.
"Thực ra, bản chất peel da là tẩy lớp tế bào chết trên da, nhằm loại bỏ các tế bào da khô chết trên bề mặt và để lại làn da mềm mại, mịn màng hơn bên dưới.
Sau quá trình bôi, các lớp tế bào chết, lớp sừng già cỗi sẽ dần dần được loại bỏ và thay vào đó là các tế bào da mới sẽ được hình thành và nuôi dưỡng một cách tự nhiên.
Tùy thuộc vào hoạt chất, nồng độ, thời gian có tác động đến các lớp của da khác nhau. Ví dụ với nồng độ nhẹ từ 15 - 20% có thể sử dụng để lột da, thay da hóa học, TCA ở nồng độ này chỉ tác động làm bong lớp sừng trên thượng bì của da.
Với nồng độ từ 50% trở lên, TCA có thể phá vỡ lớp trung bì, tác động tới hạ bì... và được ứng dụng trong điều trị sẹo lõm, sùi mào gà, mụn cóc, hạt cơm…
Vi vậy, khi peel da không đúng, chị em có thể rơi vào biến chứng bỏng da, viêm da, tăng sắc tố, da mỏng, đôi khi để lại sẹo xấu sẹo thâm vĩnh viễn", bác sĩ Thành thông tin.
Bác sĩ Thành cũng khuyến cáo chị em không sử dụng các hoạt chất không rõ nguồn gốc, kem trộn, dùng theo phác đồ của người thân quen mách nước, do mỗi loại da, mỗi tình trạng da sẽ có những sản phẩm, những chỉ định phù hợp.
Trong trường hợp muốn thực hiện kỹ thuật làm đẹp nào trên da, cần đến các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa da liễu để được bác sĩ hướng dẫn, tư vấn.
Không ít người nhận định, màn peel da này chẳng khác gì... rắn lột da?!