Dòng tiền mới
VN-Index đóng cửa tuần thứ 31 của năm nay với phiên sôi động, đạt mốc 1.225,98 điểm. Trong tuần, có 3 phiên tăng, 2 phiên giảm, tăng 18,31 điểm, tương ứng 1,52%.
Giá trị giao dịch bình quân một phiên trên HoSE đạt hơn 22.800 tỉ đồng, tăng 11,2% so với tuần trước, tăng 28,4% so với trung bình 5 tuần và 65% so với trung bình 20 tuần trước.
Theo một số chuyên gia, tiền đang được đẩy vào thị trường ngày càng nhiều và quyết đoán hơn, khác hẳn so với thời điểm vài tháng trước. Theo dữ liệu Fiintrade, tuần này nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước bán ròng, còn nước ngoài và tự doanh mua ròng.
Trong đó, nhà đầu tư tổ chức trong nước quay lại bán ròng sau khi ngừng 1 tuần, các mã bán ròng khớp lệnh nhiều nhất là SHB, ACB, DCM, NLG, MSN, CTG…
Dòng tiền mới - một động lực quan trọng thúc đẩy thị trường vừa qua được nhận định đã và sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tháng 7 vừa qua thị trường đón thêm 150.619 tài khoản mở mới, mức cao nhất 11 tháng. Riêng số tài khoản cá nhân trong nước mở mới 150.351.
Những nhóm ngành nào đáng chú ý?
Chính phủ vừa tổ chức hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết số 33 tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bất động sản.
Thông tin khá tích cực lên nhóm cổ phiếu bất động sản. Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu này đáng chú ý nhất với sắc xanh nổi bật trên 6,3%.
Dữ liệu Fiintrade cũng cho thấy tuần này, tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào ngân hàng, dầu khí, bán lẻ. Ngược lại giảm ở nhóm chứng khoán, hóa chất, điện nước, xăng dầu, khí đốt.
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng có tỉ trọng giá trị giao dịch tăng lên 16,35% toàn thị trường, mức cao trung bình trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá tăng 6,58% cho thấy nhóm này có cầu tăng, giá tăng.
25 ngân hàng niêm yết với tổng lợi nhuận trước thuế quý 2-2023 đạt 61.600 tỉ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ. Tín dụng toàn hệ thống tăng 4,7% so với đầu năm tại cuối quý 2 này - thấp hơn mức tăng 9,4% cùng kỳ năm trước.
Điểm đáng chú ý theo VnDirect, chất lượng tài sản cho thấy dấu hiệu suy giảm, tỉ lệ nợ xấu toàn ngành tăng lên 2,1%, từ 1,9% tại cuối quý 1-2023.
Trước tình hình bất động sản vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, chuyên gia VnDirect cho biết "ưa thích" ngân hàng với dự phòng vững chắc, danh mục tín dụng lành mạnh.
Tuần này, nhóm xây dựng cũng được chú ý trước thông tin gói thầu lớn nhất tại sân bay Long Thành đã tìm được liên danh nhà thầu (có tên là Vietur) đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.
VnDirect cho rằng các doanh nghiệp tham gia Vietur gồm là VCG, CC1, PHC và HAN đang đứng trước cơ hội bứt phá kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong giai đoạn 2023-2026.
Ngược lại, CTD của Coteccons liên tiếp bị bán tháo khi liên danh Hoa Lư không lọt được vào vòng trong gói thầu Long Thành. Đây cũng là cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất tuần.
Sắp tới ra sao?
Theo Chứng khoán Rồng Việt, với mức tăng được giữ khá tốt vào cuối phiên giao dịch, dòng tiền có thể tiếp tục hoạt động tích cực vào đầu tuần tới và giúp VN-Index trở lại vùng 1.230 - 1.235 điểm.
"Hoạt động tranh chấp và thăm dò cung cầu có thể sẽ xuất hiện tại vùng này", chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Còn theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tháng 8 này nhiều khả năng sẽ xuất hiện những phiên rung lắc. Thời điểm này là vùng trũng thông tin nên sẽ khó có đột biến. Sau chuỗi tăng kéo dài, thị trường cần thời gian nghỉ ngơi để hấp thụ áp lực chốt lời.
Ở kịch bản tích cực hơn, chuyên gia TPS cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành lần thứ 5, nhà đầu tư sẽ gia tăng hưng phấn, dòng tiền mua mới tiếp tục tăng.
Với kịch bản tiêu cực, chuyên gia TPS đưa ra rủi ro sẽ đến từ sự mất giá của VND trong bối cảnh sức mạnh của đồng USD đang gia tăng cùng việc lãi suất qua đêm USD tại Việt Nam đã vượt VND.
Tuy nhiên, mặt bằng định giá hiện nay của thị trường vẫn chưa ở mức cao như những giai đoạn tăng nóng 2017-2018 hay 2021. Do đó khó xảy ra cú chỉnh sâu.
Về nhóm ngành, Chứng khoán Tiên Phong cho rằng tâm điểm của thị trường vẫn sẽ tập trung tại nhóm VN-MID (cổ phiếu có giá trị vốn hóa trung bình).
Theo đó, các nhóm cổ phiếu liên quan tới câu chuyện đầu tư công, bất động sản với kỳ vọng về "hồi sinh" và chứng khoán sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư cũng như sự ưu tiên hàng đầu của dòng tiền mỗi khi thị trường có nhịp rung lắc.
Thị trường chứng khoán đảo chiều, giảm điểm mạnh trong phiên hôm nay 3-8, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Rủi ro ngắn hạn đang tăng cao.