Đây là điểm sáng đáng ghi nhận trong bức tranh kinh tế từ đầu năm đến nay, qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế và ổn định tỷ giá.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam có 4 nhóm hàng nông sản xuất khẩu đạt giá trị cao, tới hơn 10,5 tỷ USD và tăng trưởng tới gần 27% so với cùng kỳ. Đó là rau quả, hạt điều, cà phê và đặc biệt là gạo. Ở các nhóm hàng này, Việt Nam hầu hết đã chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước mà không cần nhập khẩu nên đã đóng góp đáng kể vào con số xuất siêu trong 7 tháng qua.
"Những nhóm hàng xuất khẩu có thể tự chủ được nguồn nguyên liệu trong nước thì rõ ràng đây là điểm lợi thế trong tương lai mà chúng ta có thể nắm vững và phát triển trong thời giam tới, để làm sao xuất khẩu được nhiều, nhập khẩu ít, từ đó sẽ dẫn tới xuất siêu tốt hơn và thực chất hơn", ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, nhận định.
Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã chú trọng nhiều hơn tới việc khai thác thị trường nội địa, nhất là khi xuất khẩu đang gặp khó. Ngược lại, người tiêu dùng trong nước cũng đang đón nhận tích cực hơn đối với hàng Việt. Điều này một phần được thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa 7 tháng qua đã có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Do đó nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng giảm bớt, chủ yếu tập trung vào nguyên liệu cho sản xuất.
Vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại Tân Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Tuy vậy, kết quả xuất siêu 7 tháng cũng cho thấy những thách thức khi xuất siêu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 7 tháng qua, các doanh nghiệp này xuất siêu hơn 27,8 tỷ USD, trong khi các các doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 12,6 tỷ USD.
"Số liệu tăng trưởng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm của cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không khác biệt mấy. Nói vậy để thấy khó khăn xuất khẩu là khó khăn chung. Tuy nhiên đối với nhập khẩu có sự khác biệt. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm tới 17,7%, của khu vực kinh tế trong nước giảm 16,1% và riêng tháng 7 lại tăng trưởng 0,4%. Việc này là do những cân nhắc khác nhau của doanh nghiệp khi nhìn nhận về kinh tế thế giới, cái tồn kho của họ và khả năng cung ứng, thích ứng trong bối cảnh mới", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết.
Điểm đáng mừng là khoảng 3 tháng trở lại đây, cả xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, nhập khẩu hàng hóa cần thiết cho sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhu cầu nhập khẩu, trong khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, hàng xa xỉ giảm mạnh. Đây là tín hiệu cho thấy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có thể khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nay.
VTV.vn - Sau thời gian đối diện với tình hình ảm đạm, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang dần hồi phục với lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu tăng trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.4871940260803202-dsu-yt-561-nag-tad-gnaht-7-ueis-taux/et-hnik/nv.vtv