Câu chuyện "giải cứu thanh long" đến nay vẫn chưa chấm dứt khi thỉnh thoảng lại có những đợt trái cây này dội chợ với giá rất rẻ do xuất khẩu gặp trục trặc. Những lúc như vậy, bài toán về chế biến sâu lại đặt ra dù đầu ra cho thanh long chế biến không hề dễ dàng. Song, đã có một số cơ sở thành công, dù quy mô còn nhỏ, góp phần nâng giá trị cho thanh long Việt.
Đánh thức tiềm năng trái thanh long
Chị Trần Thị Kim Lĩnh, chủ Cơ sở Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bảo Long Bình Thuận (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đang chuyển đổi cơ sở của mình lên công ty sau 4 năm khởi nghiệp để phù hợp với sự phát triển.
Ngoài công ty này, chị Lĩnh còn xúc tiến thành lập HTX với thành viên là những thanh niên khởi nghiệp để phát triển du lịch trải nghiệm, giúp du khách có thể trải nghiệm từ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến các sản phẩm từ thanh long. Dự án này được kỳ vọng sẽ thêm kênh tiêu thụ sản phẩm cho Bảo Long Bình Thuận bởi những loại đặc sản từ thanh long rất được khách du lịch yêu thích.
Năm 2019, chỉ với 300 triệu đồng từ nguồn vốn vay xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị ban đầu, thương hiệu Bảo Long Bình Thuận ra đời với sản phẩm chủ lực là nước ép thanh long. Chị Lĩnh khởi nghiệp mới 3 tháng đã gặp dịch COVID-19 nên cơ sở gặp muôn vàn khó khăn, 10.000 chai nước ép thanh long tồn kho không biết bán cho ai.
"Lúc đó, tôi đánh liều đem sản phẩm đi tặng cùng các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mì, nước mắm... Không ngờ, nhờ vậy mà thương hiệu được nhiều người biết đến. Đến mùa Tết, nước ép thanh long được nhiều người tìm mua để biếu tặng. Nhờ vậy, năm 2021 cơ sở có lãi nhẹ, năm 2022 lãi được 600 triệu đồng" - chị Lĩnh nhớ lại.
Từ trái thanh long, chị Trần Thị Kim Lĩnh đã phát triển được nhiều sản phẩm chế biến Ảnh: AN NA
Năm 2023, khi du lịch phục hồi, Bảo Long Bình Thuận kỳ vọng sẽ lãi hơn 1 tỉ đồng - con số mơ ước của những dự án khởi nghiệp. Không chỉ đạt được bước nhảy vọt về doanh thu, chỉ trong thời gian ngắn, Bảo Long Bình Thuận còn tích lũy được nhiều thành quả đáng nể, như: được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, đạt chứng nhận OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") 4 sao năm 2021. Dự án của chị Lĩnh tham gia nhiều kỳ thi khởi nghiệp và đạt được kết quả tốt. Năm 2022, chị đã vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của - phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu, xuất sắc.
Đầu năm 2023, nước ép thanh long Bảo Long lọt vào tốp 4 sản phẩm OCOP bán chạy; được Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đề xuất Viện Kỷ lục Việt Nam ghi nhận, xác lập kỷ lục với sản lượng tiêu thụ 90.000 chai (500 ml) vào năm 2022.
Bí quyết thành công
Những năm gần đây, rất nhiều startup tham gia mảng chế biến thanh long nhưng phải bỏ cuộc giữa chừng vì bí đầu ra. Nhiều dự án ra đời để "giải cứu" thanh long tươi nhưng sản phẩm làm ra lại không được ai... "giải cứu", thua lỗ nên phải đóng cửa.
Lý do là thị trường Việt Nam vẫn chưa quen với sản phẩm chế biến từ thanh long, nhiều sản phẩm chưa hợp khẩu vị người dùng. Để tạo sự khác biệt, Bảo Long Bình Thuận liên tục nghiên cứu đổi mới, phối trộn thêm nguyên liệu từ dưa lưới, ổi..., giúp sản phẩm hợp khẩu vị khách hàng hơn.
Từ nền tảng kiến thức tích lũy được khi học chuyên ngành công nghệ sau thu hoạch - Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận cùng kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ khi còn là sinh viên năm nhất (năm 2010), bà chủ Bảo Long Bình Thuận đã phát triển được 13 sản phẩm từ thanh long, như: rượu, nước ép, mứt dẻo, sấy, hạt, bột... Trong đó, 3 sản phẩm bán chạy nhất là nước ép, si-rô và kẹo dẻo thanh long.
"Tất cả đều do tôi tự nghiên cứu và "chế" máy móc để thực hiện. Đây vừa là lợi thế vừa là điểm yếu của cơ sở nên tôi đang lập đề án xin hỗ trợ từ Hà Lan để đổi mới công nghệ toàn diện" - nữ startup trẻ cho hay.
Một bí quyết quan trọng khác dẫn đến thành công, theo chị Lĩnh, là chủ động đưa sản phẩm đến với khách hàng, xây dựng hệ thống phân phối. "Tôi đã tham gia rất nhiều hội chợ, nhiều sự kiện kết nối giao thương để gặp gỡ khách hàng, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, cơ sở đã phát triển mạng lưới khoảng 30 đại lý trên cả nước và có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử, như: Shoppee, Lazada, Vỏ sò, Sendo, Postmart..." - nhà nông trẻ tiêu biểu tỉnh Bình Thuận tự tin.
Sản xuất an toàn là quan trọng nhất
Theo chị Trần Thị Kim Lĩnh, để nông sản Việt nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng không rơi vào tình trạng phải "giải cứu", trước hết, cần xây dựng thị trường xuất khẩu bền vững. Sản phẩm xuất khẩu cần bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc đa dạng hóa sản phẩm chế biến sẽ giúp nâng giá trị trái cây trên một diện tích canh tác, nâng thu nhập cho người trồng.
"Nhiều thời điểm thanh long rớt giá, nhà vườn điện thoại nhờ cơ sở mua nhưng tôi không mua được vì họ không có chứng nhận sản xuất an toàn. Trong khi đó, thanh long chế biến là sản phẩm dùng trực tiếp nên phải an toàn, nguyên liệu phải rõ nguồn gốc, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật" - chị Lĩnh nhấn mạnh.
Xem thêm: mth.30450909160803202-neib-ehc-gnol-hnaht-iov-peihgn-iohk/et-hnik/nv.moc.dln