Cô bé Trường ngày ấy giờ đã 18 tuổi, sắp trở thành tân sinh viên, nhưng ước mơ ngày đó xin gửi theo người cha can trường bám biển và đã vĩnh viễn nằm lại Hoàng Sa trong một chuyến ra khơi bốn năm trước.
Người cha mãi ở lại cùng biển khơi
Buổi chiều, đảo Lý Sơn lộng gió, Trường cùng mẹ bước dọc con đường quanh vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn. Dòng họ Dương ở Lý Sơn đã 12 đời nối nhau bám đảo. Chỉ là lâu rồi chiếc tàu của ông Dương Văn Giàu - cha Xuân Trường - làm thuyền trưởng không trở về nữa. "Còn tàu bác Hai và bác Bốn đi Hoàng Sa chứ ba Giàu ở lại Hoàng Sa luôn rồi, không về nữa", Trường trầm giọng.
Lời con gái như cứa vào vết thương người mẹ - bà Bùi Thị Phước Thạnh - đã bốn năm ngóng chồng trong vô vọng. Ngày 2-1-2019, tàu cá do thuyền trưởng Giàu chỉ huy đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì bão tràn về.
Thuyền trưởng lèo lái con thuyền vượt sóng trở về đất liền. Sóng đập thân tàu, nước tràn vào khoang lái đẩy dây neo xuống biển quấn chặt vào chân vịt. Để cứu tàu và chục ngư dân bên lằn ranh sinh tử, anh Giàu lặn xuống biển tháo dây neo khỏi chân vịt.
"Khi lên trở lại tàu đã mệt lả lại bất ngờ bị sóng đánh mạnh đẩy anh rớt xuống biển. Đêm tối, nước chảy xiết, dù cố quay tàu trở lại tìm nhưng không được. Sóng lúc đó quá dữ, mọi người đành cho tàu thuận sóng về đất liền. Cứu anh em nhưng anh mãi mãi nằm lại Hoàng Sa", bà Thạnh rớm nước mắt.
Đôi lúc bà tự huyễn hoặc như một phép màu, chồng mình rơi xuống biển, trôi dạt vào một hòn đảo hoang nào đó ở Hoàng Sa và vẫn còn sống.
Tự trấn an mình vậy nhưng bốn năm qua, chiều rảnh rỗi bà lại ra vũng neo đậu tàu thuyền nhìn những chiếc tàu cá trở về, trông ngóng. "Tôi cũng tuyệt vọng rồi nhưng cứ cố tin vì thương anh. Thói quen ra biển chờ anh về vẫn không bỏ được", bà Thạnh chép miệng.
Người ngư dân can trường ấy mất đã để lại khoảng trống mênh mông nơi căn nhà nhìn ra phía biển. Làng biển, chồng là trụ cột, vợ ở nhà chăm con nên khi ông Giàu đột ngột ra đi, khốn khó ập đến. Bà Thạnh không biết xoay xở thế nào để lo cho hai con.
Trường vẫn nhớ cái tết năm cha mất, buồn nhất đời mình. "Còn một tháng nữa là tết nhưng ba không bao giờ về nữa. Tết năm đó, mẹ cứ ngồi ở bờ biển, ai khuyên cũng không chịu vào nên hai anh em ra ngồi cùng mẹ luôn", Trường kể.
"Mình luôn tin ba dõi theo"
Thương mẹ cực khổ, hai anh em tính nghỉ học. Rồi Trường nhớ cha bám biển ngày đêm mong hai đứa con học hành nên người, bỏ cuộc là bất hiếu. Trường bây giờ quá khác so với cô bé ước mơ trở thành cảnh sát biển năm nào. Cha mất, Trường như trưởng thành nhanh hơn. Cảnh người ta đến nhà đòi nợ, mẹ không có tiền mua thức ăn biến thành động lực.
Không bỏ cuộc, Trường và anh trai tìm kiếm cơ hội đi học. May mắn, một người thân nói hai anh em tìm hiểu học bổng Vừ A Dính của Trung ương Đoàn. Huyện Đoàn Lý Sơn hỗ trợ làm hồ sơ, câu chuyện xúc động về ngư dân Giàu nằm lại Hoàng Sa và khao khát đến trường của anh em Xuân Trường được quỹ này hỗ trợ. Trường bảo học bổng Vừ A Dính như "chiếc phao" mà bạn kịp bám vào lúc chông chênh nhất.
Năm học lớp 9, cô bé rời Lý Sơn vào TP Dĩ An (Bình Dương) học nội trú ở Trường tiểu học, THCS và THPT Phan Chu Trinh. Lo cho con gái, bà Thạnh theo cùng. Con đi học, mẹ đi bán hàng. Dịch ập đến, bà mất việc đành trở lại Lý Sơn trong sự trấn an của con gái "mẹ an tâm, con sẽ tự sống, học tập mà không cần mẹ ở bên và hứa mang thành quả về".
Đợt thi tốt nghiệp THPT năm nay, Trường dễ dàng vượt qua dù cô bé tự nhận có chút thất vọng về kết quả của mình vì vẫn có thể làm tốt hơn. Dù đã được xét tuyển vào ngành truyền thông đa phương tiện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhưng bạn vẫn buồn khi điểm ba môn toán, văn, tiếng Anh chỉ đạt 24 điểm.
Với kết quả này, Quỹ học bổng Vừ A Dính sẽ tiếp tục đồng hành cùng bạn vào đại học. Nhưng vẫn ngổn ngang lắm khi sinh hoạt phí đắt đỏ ở TP. Mỗi lần khó khăn, Trường lại nhớ ba kiên định với Hoàng Sa để tự nhắc mình phải vượt qua.
Bà Thạnh nói Trường có tính cách mạnh mẽ như cha, luôn an ủi mẹ nhưng bà vẫn xót con lắm dù tin con sẽ vượt qua. Sức khỏe bà vốn không tốt, biến cố mất chồng đột ngột đã đánh gục sức mạnh của người phụ nữ làng chài. Bây giờ bà giữ trẻ thuê cho một người thân ở Lý Sơn, kiếm chút tiền trang trải cuộc sống tạm bợ trên đảo.
Trường hiểu số tiền mẹ kiếm được không thể đủ cho sinh hoạt ở Sài Gòn nên đã có hoạch tính cho riêng mình. "Mình phải đi làm thêm. Khi quen với việc học sẽ lên lịch thời gian học và làm phù hợp. Lúc còn sống, ba hay nói phải có kỷ luật với bản thân mới thành công được. Mình luôn tin ba dõi theo, mọi khó khăn đều vượt qua được, tương lai cũng vậy", Trường trải lòng.
Nói về ngành học mình chọn, Trường lại nhắc về ba. Cô gái đặt mục tiêu ra trường sẽ vận dụng kiến thức có được để kể câu chuyện của Hoàng Sa, của ngư dân Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Tổ quốc bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau để bạn bè quốc tế biết. Điều ấy Trường tin sẽ góp phần gìn giữ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi cha mình đã ở lại mãi mãi.
Ba đã hun đúc ước mơ
Mỗi lần kể về cha, Xuân Trường luôn tự hào vì từng được nghe nhiều lần trong những buổi trà rượu của các chú bác đi biển nói về "độ lì" của ba Giàu ở vùng biển Hoàng Sa. Bao chuyến đi bị cướp phá trắng tay, ông trở về vay mượn "nhập tổn" tiếp tục ra khơi.
Trường kể hồi nhỏ mơ làm cô giáo, nhưng năm 2014 xem clip tàu Trung Quốc vây tàu ba ở Hoàng Sa, thấy ba vẫn bình thản lái tàu né tránh, tiếp tục bám biển nên muốn trở thành cảnh sát biển giúp ba và những người khác không còn gặp cảnh đó nữa. "Ba chính là người hun đúc ước mơ làm cảnh sát biển mà mình đã nói trên sóng truyền hình lúc 9 tuổi", Trường tâm tình.
20 năm Tiếp sức đến trường, chúng tôi bắt đầu chương trình mới mà lòng không thôi ngạc nhiên. Ngần ấy thời gian đã đi qua, cả một thế hệ đã đi tới.