Trung Quốc sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng Bảy trong ngày 9/8. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, con số này nhiều khả năng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia nhận định, điều này có nghĩa là Trung Quốc là quốc gia G20 đầu tiên rơi giảm phát kể từ khi Nhật Bản công bố mức CPI âm hai năm trước.
Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đã giảm 14,5% và nhập khẩu giảm mạnh (12,4%) so với dự báo được đưa ra vào tháng trước.
Ngoại trừ sự phục hồi ngắn ngủi trong tháng Ba và tháng Tư, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm gần như liên tục kể từ tháng 10 năm ngoái.
Nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ và châu Âu, cùng với tình trạng lạm phát cao, đã góp phần khiến nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa của Trung Quốc yếu đi trong những tháng gần đây.
"Khu vực sử dụng đồng Euro vẫn đang tăng lãi suất và quá trình tăng lãi suất ở khu vực này còn dài hơn Mỹ. Quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng đến cả lĩnh vực tiêu dùng lẫn sản xuất", ông Wang Jingwen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Minsheng, nhận định.
Chỉ số giá sản xuất PPI cũng giảm từ tháng 10 năm ngoái và theo các chuyên gia, điều quan trọng hơn là chỉ số này có tốc độ giảm nhanh hơn trong năm nay.
Mức giảm 5,4% của tháng 6 đánh dấu mức giảm của chỉ số PPI sâu nhất kể từ năm 2015. Các số liệu vào thứ Tư dự kiến, PPI sẽ giảm nhẹ xuống còn 4,1% trong tháng 7, tuy nhiên, các chuyên gia không lạc quan nhiều vào con số này.
Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, đã hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để huy động 300 triệu USD tại sàn Hong Kong (Trung Quốc).
Công ty này, vào ngày 8/8, tuyên bố không thanh toán hai loại trái phiếu bằng đồng USD đáo hạn ngày 6/8, với tổng giá trị lên đến 22,5 triệu USD, do gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Chỉ số bất động sản chuẩn của Hong Kong đã mất gần 5% vào thứ Ba. Tâm lý kém lạc quan còn bị tác động bởi các số liệu thương mại. Chỉ số CSI 300 của các công ty Trung Quốc lớn (blue chip) đã giảm ngày thứ hai và đồng Nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tuần so với đồng USD.
Những dữ liệu kinh tế mới nhất khiến các nhà đầu tư lo lắng, khi triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên yếu ớt hơn.
Doanh số bán nhà xây mới của 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc trong tháng 7 giảm mạnh nhất 1 năm. Tín dụng vay mua nhà của cá nhân lần đầu giảm theo quý, cho thấy sự suy giảm lòng tin của người dân
Các biện pháp kích thích, hỗ trợ dường như chưa đủ để "hâm nóng" thị trường bất động sản – lĩnh vực vốn chiếm 1/4 GDP Trung Quốc. Dự báo nhiều chính sách mới sẽ được ban hành nhằm khơi thông, nới lỏng "vòng kim cô" cho thị trường này sau 6 năm siết chặt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.86974930190803202-tahp-maig-oav-oav-ior-oc-yugn-oc-couq-gnurt-et-hnik/et-hnik/nv.vtv