Về đích sớm
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu được 152.986 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 138.377 tấn, tiêu trắng đạt 14.609 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 485,9 triệu USD, tiêu đen đạt 417,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 68,0 triệu USD.
So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu tăng 21,8% tương đương 27.433 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 14,6% tương đương giảm 82,3 triệu USD.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.484 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.011 USD/tấn, giảm lần lượt 879 USD đối với tiêu đen và 1.070 USD đối với tiêu trắng.
Trân Châu là doanh nghiệp xuất khẩu đứng đầu trong khối VPA chiếm 6,5% thị phần xuất khẩu đạt 9.926 tấn, tuy nhiên so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 38,5%. Tiếp theo là các doanh nghiệp Nedspice Việt Nam đạt 9.542 tấn, chiếm 6,2% và giảm 0,6% so cùng kỳ; Olam Việt Nam đạt 8.492 tấn, chiếm 5,6% và giảm 40,2%; Phúc Sinh đạt 8.247 tấn, chiếm 5,4% và tăng 1,6%; Haprosimex JSC đạt 6.332 tấn, chiếm 4,1% và giảm 17,7%.
Một số doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tăng bao gồm: Tuấn Minh đạt 107,1%; Intimex Group đạt 36%; Hanfimex Việt Nam đạt 21,8%; Ptexim Corp đạt 21,0%; Synthite Việt Nam đạt 8,7%; Prosi Thăng Long đạt 6,6%… Xuất khẩu giảm ở Harris Freeman, Liên Thành, DK, Sơn Hà… Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu: Nedspice đạt 1.794 tấn, Olam Việt Nam đạt 1.570 tấn, Trân Châu đạt 1.499 tấn, Liên Thành đạt 1.314 tấn, Phúc Sinh đạt 925 tấn.
Tại thị trường nội địa, giá hồ tiêu có những diễn biến trái chiều phản ánh sát với thị trường. Đến giữa tháng 5 giá nội địa còn ở mức 76.000 đồng/kg thì sau đó giá liên tục giảm xuống và hiện chỉ còn trên dưới 70.000 đồng/kg.
Sức mua yếu từ các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu, cộng thêm dấu hiệu chững lại từ thị trường Trung Quốc đã giảm mua từ tháng 6 thêm vào đó là tâm lý chờ vụ thu hoạch của Brazil và Indonesia chính là những nguyên nhân làm cho giá hồ tiêu đi xuống.
Trao đổi với Công thương, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, lượng xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng vừa qua cho thấy lượng hàng năm nay không còn nhiều, dự kiến hết tháng 8 có thể sẽ xuất khẩu hết sản lượng năm 2023, vì vậy, có thể hy vọng có tác động tích cực tới thị trường trong các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, dự báo của ngân hàng thế giới đối với một số nền kinh tế như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc có triển vọng tích cực vào cuối năm nên sức mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường này sẽ khởi sắc trở lại. Điều này cũng có thể tác động đến giá cả từ đây đến cuối năm.
Giữ vững vị thế
Theo bà Hoàng Thị Liên, Hiệp định EVFTA đã tạo nhiều cơ hội nhưng việc xuất khẩu và mở rộng thị trường vẫn chưa xứng với tiềm năng do các điều kiện và tiêu chuẩn của EU khá cao và nghiêm ngặt về chất lượng, về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế thế giới do cuộc xung đột tại Đông Âu.
“Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 năm 2020 - 2021, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang EU giảm nhưng thị phần đạt 17,1% chỉ giảm nhẹ so với mức 18,2% của năm 2021”, bà Liên cho hay.
Hiện có thể nói so với Brazil, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế trước mắt nhưng về lâu dài cần tiếp tục nâng cao chất lượng, khai thác các phân khúc thị trường khác nhau vì EU liên tục cập nhật và tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch, các tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.
Vì vậy, bên cạnh lợi thế cạnh tranh về giá, bà Hoàng Thị Liên khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hướng đến việc cạnh tranh thông qua việc thỏa mãn các yêu cầu, tiêu chí nghiêm ngặt từ EU để giữ vững vị thế và đồng thời tham gia sâu hơn vào các thị trường khác. Doanh nghiệp có thể xem xét ở góc độ tổng thể như cải thiện nhà máy và cơ sở chế biến, quy trình sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm; cập nhật thông tin thị trường bao gồm các ưu đãi thuế quan, yêu cầu kiểm dịch và an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, các tiêu chí tăng trưởng xanh.
Cẩn trọng rủi ro
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, VPA khuyến nghị các doanh nghiệp cần cản trọng trước rủi ro trong thương mại quốc tế. Theo đó, tình trạng giao dịch có dấu hiệu gian lận thương mại và lừa đảo không chỉ xuất hiện tại châu Phi mà còn có ở châu Âu và đặc biệt là tại thị trường Trung Đông như Dubai gần đây với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Có trường hợp là đối tác lâu năm vẫn bị lừa, hoặc đối tác thanh toán sòng phẳng lô hàng đầu tiên nhưng lừa đảo ở các lô hàng tiếp theo, với các nhà xuất khẩu khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt cẩn trọng khi giao dịch với đối tác, đàm phán chặt chẽ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất.
Hiệp hội lưu ý các doanh nghiệp về một số hình thức thanh toán gặp nhiều rủi ro trên thực tế, như phương thức thanh toán trả sau, nghĩa là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán. Cùng với đó là phương thức phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố. Phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước do nước sở tại cấp. Bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho bên thứ 3.
Do đó, VPA khuyến nghị các doanh nghiệp cần chọn các các phương thức thanh toán an toàn như mở L/C. Phương thức thanh toán D/P cũng có mức độ an toàn hơn so với thanh toán trả sau và séc. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải đăng ký dịch vụ đảm bảo an toàn, cần có chụp ảnh, quay phim quá trình giao nhận, lấy đầy đủ chữ ký và kể cả thẻ căn cước của người nhận, thực hiện việc giao nhận trong trụ sở ngân hàng.
Ngoài ra nhà xuất khẩu cũng có thể yêu cầu ngân hàng của mình thực hiện nghiệp vụ xác minh, đánh giá độ tin cậy và dịch vụ của ngân hàng bên mua, đồng thời xác nhận với ngân hàng bên mua trước khi tiến hành gửi chứng từ lô hàng các thông tin chi tiết về địa chỉ và người nhận bộ chứng từ hàng để ràng buộc trách nhiệm ngân hàng gắn với bộ giấy tờ trong các trường hợp rủi ro phát sinh.
Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc tăng 798%
Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 50.369 tấn, tăng 798% so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 5.609 tấn) và tăng đến 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 29.063 tấn). Với sự tăng trưởng mạnh, Trung Quốc chiếm tới 33% thị phần hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam. Việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua đã giúp giá tiêu nội địa của Việt Nam tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 3 - 5.
Lý giải điều này, VPA cho biết do Trung Quốc đã giảm mua trong 2 năm 2021 - 2022 nên nhu cầu tăng cao trong năm nay.
Hương Anh (t/h)