Ngày 9-8, Hội đồng Tiền lương quốc gia bước vào phiên họp chính thức đầu tiên, thảo luận phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Mức đề xuất của các bên chưa được tiết lộ.
Lương chưa tăng, giá cả đã tăng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Phạm Thị Thu Lan - phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - cho biết các chi phí lương thực, thực phẩm đã tăng. Nếu lương không tăng, cuộc sống người lao động sẽ khó khăn hơn.
Khảo sát gần 3.000 người lao động của cơ quan này công bố ngày 8-8 nêu rõ thu nhập trung bình gần 7,9 triệu song chi tiêu hơn 11,7 triệu đồng.
"Thực tế một bộ phận người lao động có thu nhập cao hơn lương tối thiểu. Song nhiều doanh nghiệp tìm cách cắt giảm các khoản chi khác nên thu nhập của người lao động không tăng", bà Lan bày tỏ và mong lương tối thiểu tăng ít nhất 6-8%.
Còn ông Lê Đình Quảng - phó trưởng Ban chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết cơ quan này chưa nêu đề xuất cụ thể, mà tập trung thương lượng với các bên.
Theo ông Quảng, tuy đời sống công nhân khó khăn song doanh nghiệp cũng phải tính toán điều chỉnh phương án chi trả, tăng năng suất, mở rộng đơn hàng… Lý giải thêm về đề xuất tăng lương, vị này nhận định chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nên xem xét tăng khi nào hợp lý.
"Thời gian tới, tiền lương tối thiểu cần làm đúng chức năng là mức thấp nhất bảo vệ những người yếu thế và căn cứ các bên thương lượng tiền lương", ông Quảng nói.
Áp lực tăng chi phí cho doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên ủy viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho rằng chưa nên tăng lương tối thiểu ngay bởi số doanh nghiệp rời thị trường rất lớn, nền kinh tế chưa phục hồi trong 6 tháng đầu năm.
Bà Hương nói đa phần doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức tối thiểu nên không nhất thiết năm nào cũng tăng lương. Vấn đề gốc là tăng năng suất lao động, hiệu quả làm việc.
Đây là cách gián tiếp tăng thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, nếu lương quá cao, doanh nghiệp có thể cắt giảm lao động, tăng gánh nặng chi phí.
Nhắc lại bài học quốc tế, bà Hương nêu nhiều nước không tăng lương cơ học cho người lao động, mà hỗ trợ qua "ba con đường" là tăng năng suất lao động, áp dụng thỏa ước lao động tập thể và luật hóa lương tối thiểu.
Ngoài ra có nhiều người làm thêm việc phụ như lái xe công nghệ, bán hàng online nên việc quy định lương tối thiểu cũng không linh hoạt.
Nêu ý kiến về tăng lương tối thiểu, bà Phạm Bảo Ân - phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi (TP.HCM) - nói tăng lương tối thiểu chủ yếu sẽ tăng thêm chi phí doanh nghiệp về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, bởi đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Trong đó các doanh nghiệp có vài ngàn lao động sẽ chịu áp lực về tăng chi phí rất lớn. Do đó cần cân nhắc mức tăng phù hợp trong thời điểm này.
Trước đó các cấp công đoàn và chuyên gia đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ 6 - 11,34%. Gần nhất, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1-7-2022.
Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng.
Vùng III tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng.
TTO - Triển khai quy định tại điều 91 của Bộ luật lao động, Bộ Lao động - thương binh và xã hội ngày 20-5 đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương dự thảo tờ trình và nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu.