Như Thanh Niên đã thông tin, kết quả khảo sát về đời sống, thu nhập của người lao động (NLÐ) cuối năm 2022 do Viện Công nhân và công đoàn, thuộc Tổng liên đoàn Lao động (LÐLÐ) VN, thực hiện cho thấy sự sụt giảm đáng kể số giờ làm việc của NLÐ trong khu công nghiệp. Theo đó, thời gian làm việc bình thường của NLÐ giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn 7,25 giờ/ngày và không làm thêm giờ. Số giờ làm việc giảm đồng nghĩa với mức thu nhập cũng giảm, chỉ còn 5,9 triệu đồng/người/tháng.
Tổng thu nhập gồm lương và phụ cấp lương khoảng 8,74 triệu đồng/tháng, nhưng mức chi tiêu cho cuộc sống là 10,3 triệu đồng/tháng. Tức là mức thu nhập chỉ bằng 84% của mức chi tiêu, không đủ sống. Khó khăn về việc làm, thu nhập khiến 18% NLÐ đã từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần. Khảo sát cũng cho thấy có 42% NLÐ không có nhà; 54% không có đất ở; đặc biệt có đến 59% NLÐ không có tích lũy một đồng nào; 11,7% có tích lũy nhưng chỉ duy trì được dưới 1 tháng; 16,7% có tích lũy, duy trì từ 1 - 3 tháng; chỉ 12,7% có tích lũy, có thể cầm cự trên 3 tháng. Ðiều này phản ánh rằng đời sống của NLÐ cực kỳ khó khăn.
Ðể có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2024, thời gian qua, Tổng LÐLÐ VN cũng đã khảo sát về đời sống, nhu cầu, nguyện vọng của NLÐ. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LÐLÐ VN, cho biết: "Ðại đa số NLÐ muốn được tăng lương tối thiểu vào đầu năm sau vì đời sống thực tế đang có rất nhiều khó khăn".
Mặc dù phía công đoàn mong muốn tăng lương tối thiểu cho NLÐ, song nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN trong các ngành thâm dụng lao động bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, đơn hàng cắt giảm lại bày tỏ nguyện vọng Chính phủ nên giữ nguyên mức lương như hiện tại.
Nên tăng lương!
"Hiện tại ai cũng thấy đời sống của NLÐ đang thực sự có nhiều khó khăn. Nhiều mặt hàng đã tăng giá làm cho đời sống của NLÐ thêm khó khăn. Nào là tiền thuê nhà, tiền ăn học cho con cái, tiền xăng, tiền điện, tiền nước… bao nhiêu là thứ mà NLÐ phải đối mặt. Trong khi đó, nhiều DN cũng khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công… Bên nào cũng có khó khăn và cũng rất cần có sự đồng cảm. Tuy nhiên, theo tôi, nên tăng lương tối thiểu lên để NLÐ bớt chút khó khăn, tạo thêm động lực để họ gắn bó với DN, cùng chung tay để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn chung này", bạn đọc (BÐ) Yen Thanh Nguyen cho biết.
Cùng ý kiến, BÐ Huyên Nguyễn Ðức cũng bày tỏ: "Tăng nhiều hay tăng ít cũng nên tăng cho NLÐ, vì hiện nay cuộc sống của họ rất khó khăn".
Trong khi đó, BÐ Trịnh Cường chia sẻ: "Báo in Thanh Niên ngày 8.8 được nhiều người quan tâm. Nhiều bạn đọc cà phê vỉa hè đàm luận sôi nổi, đánh giá cao bài viết Tăng hay không tăng lương tối thiểu vùng 2024? nhất là có các con số biết nói... Giờ nói thật, NLÐ chỉ mong có việc làm liên tục, ổn định; giá cả nhu yếu phẩm, nguyên liệu, nhiên liệu… đừng "nhảy múa" cho bà con nhờ; các công ty, DN có nhiều đơn hàng trong những tháng cuối năm...".
Kiểm soát giá cả rất quan trọng
Nhiều BÐ cho rằng cần kiểm soát giá cả chặt chẽ, không để giá cả "té nước theo mưa". BÐ Quảng Thanh Long cho rằng: "Tăng lương nhưng phải kiểm soát được giá cả, phải bình ổn được giá, không để vật giá leo thang trước cả khi tăng lương". BÐ Lien Tuong cho biết: "Nếu quản lý được giá cả thị trường thì không cần tăng lương, người dân vẫn khỏe. Ví dụ ở quê tôi, tô hủ tíu 15.000 đồng, tết thì lên giá thành 20.000 đồng, tăng 30%. Vật giá thì tăng như vậy, nên lương có tăng 10% vẫn không đủ bù vào". BÐ B8vtx cũng nhận định: "Tăng lương tối thiểu mà tất cả các mặt hàng tiêu dùng cũng đều tăng theo thì... căng lắm".
Trong khi đó, BÐ ngocquynhxxxx@gmail.com dè dặt cho biết: "Cần cẩn trọng khi tăng lương! Giả dụ lương công nhân 7 triệu đồng/tháng, tăng 10% tức tăng 700.000 đồng, con số này chẳng bao nhiêu với một công nhân, nhưng với DN có 2.000 công nhân chẳng hạn, thì con số là tiền tỉ mỗi tháng! Thử nghĩ, nếu DN trụ không nổi mà giải thể thì sao? 2.000 công nhân sẽ về đâu? Chưa nói có một số người lãnh lương công nhân, mà xài theo chế độ… công tử! Sáng ăn xong phải có 1 cữ cà phê rồi đi làm, chiều cơm nước xong, phải "vài ve" và 1 suất "kê vô ca" (karaoke) thì mới về ngủ! Khi khó khăn thì nên cùng nhau chia sẻ mới được".
* Giá khám sức khỏe tăng, tiền học tăng, giá điện cũng đòi tăng nữa...
Truongtamanh2018
* Ai không muốn tăng lương? Nhưng mấy anh độc thân cũng nên coi lại cách xài tiền của mình. Ông bà mình dạy "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" không sai!
Hoàng Bảo
* Nghe xăng tăng giá, điện tăng giá… thế là bà chủ nhà trọ cũng "nói khéo" là tháng sau tăng tiền thuê nhà lên để bù tiền điện nước. Mình mới nghe mà đã thấy chóng mặt. Lương chưa tăng mà?
Anh Kiệt