Thu để tái đầu tư
Lý giải cho việc cần thiết thu phí các dự án cao tốc do ngân sách nhà nước đầu tư, Bộ GTVT cho rằng với các dự án này, người dân tiết kiệm được thời gian và chi phí vận hành phương tiện. Theo tính toán trên 3 tuyến cao tốc đang vận hành là Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện sẽ được lợi khoảng 5.265 đồng/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.
Cũng theo Bộ GTVT, yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng mới đường cao tốc là rất lớn, do đó xây dựng chính sách để có nguồn dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết. Ngoài ra, dự kiến đến năm 2025, khi 1.624 km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, ước tính tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 9.067 tỉ đồng (bình quân 1.813 tỉ đồng/năm). Các phương tiện giao thông chuyển sang di chuyển trên đường cao tốc sẽ dẫn đến phân lưu làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của một số dự án BOT hiện có (có thể làm giảm doanh thu của dự án). Việc thu phí sẽ tạo ra nguồn lực để thực hiện các giải pháp chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Mức thu phí cao tốc 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế không thể cao bằng với cao tốc 6 làn xe có chất lượng đường, vận tốc thiết kế hơn hẳn.
Bộ GTVT tính toán hiện 12 tuyến cao tốc thực hiện thu tiền theo cơ chế giá, mức thu dao động từ 1.000 - 2.100 đồng/PCU/km (PCU: đơn vị xe con tiêu chuẩn), trung bình là 1.652 đồng/PCU/km.
Với đề xuất thí điểm thu phí 9 tuyến cao tốc Bắc - Nam, mức thu thấp nhất từ 1.300 - 3.500 đồng/km/xe ô tô tiêu chuẩn (xe dưới 12 chỗ ngồi). Mức thu khác nhau tùy vào từng tuyến cao tốc, như Cao Bồ - Mai Sơn mức thu 2.026 đồng/km; Mai Sơn - QL45 thu 2.026 đồng/km; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thu 3.539 đồng/km; cầu Mỹ Thuận 2 thu 2.026 đồng/km…
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Bộ GTVT cho biết tờ trình Chính phủ lần này chưa đưa ra mức phí cụ thể, mà xin Quốc hội chủ trương thu phí cao tốc do ngân sách đầu tư. Trường hợp được Quốc hội chấp thuận chủ trương, Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai cụ thể tính toán mức phí với từng tuyến cao tốc cũng như thời gian thu phí.
Cao tốc 2 làn không thể thu như 6 làn
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, việc thu phí cao tốc do ngân sách đầu tư là cần thiết, vì thực tế không thu cũng phát sinh nhiều hệ lụy và lãng phí nguồn lực do không có nguồn tái đầu tư. Tuy nhiên, thu tuyến nào, tuyến nào không thu cần khảo sát, đánh giá kỹ.
Đại diện cho các doanh nghiệp vận tải cho rằng "mức thu phải cân nhắc rất kỹ không chỉ là tổng mức đầu tư, quy mô từng dự án, mà còn phải là tiện ích của từng tuyến như quy mô làn đường, có trạm dừng nghỉ hay không, có làn dừng khẩn cấp hay không". Ví dụ như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc dạng hiện đại nhất VN hiện nay với quy mô 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 120 km/giờ hiện mức thu cũng chỉ 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Một số tuyến cao tốc khác quy mô 4 làn xe, vận tốc 100 - 120 km/giờ như Pháp Vân - Cầu Giẽ mức thu hiện tại cũng chỉ từ 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
Trong khi đó, cao tốc Bắc - Nam hiện tại đa số các tuyến chỉ có 4 làn xe, thậm chí chỉ 2 làn xe như Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế), La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng). Các đoạn này không có làn dừng khẩn cấp, chỉ thiết kế điểm dừng khẩn cấp. Phần lớn các đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2021 và 2021 - 2025 đều được thiết kế 4 làn xe hạn chế, không có làn dừng khẩn cấp (dự kiến giai đoạn hoàn chỉnh mở rộng thành 4 - 6 làn, có làn dừng khẩn cấp dọc tuyến).
Trên thực tế, ngay sau khi đưa vào khai thác, một số cao tốc có lưu lượng lớn như Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) đã bộc lộ hạn chế khi không có làn dừng khẩn cấp, khiến phương tiện gặp sự cố phải dừng trên một làn đường gây ùn tắc, việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn… Tốc độ khai thác tối đa của các tuyến cao tốc Bắc - Nam hiện nay cũng chỉ là 80 km/giờ. "Mức thu phí cao tốc 2 làn xe hoặc 4 làn xe hạn chế không thể cao bằng với cao tốc 6 làn xe có chất lượng đường, vận tốc thiết kế hơn hẳn", ông Quyền nêu.
Tránh "phí chồng phí"
Ủng hộ chủ trương thu phí cao tốc do ngân sách đầu tư, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), quy định hiện nay các dự án hạ tầng đầu tư công không được thu phí. Nhưng ngân sách nhà nước không đủ trang trải để đầu tư hay tái đầu tư, nên đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết để thu phí cao tốc do ngân sách đầu tư là phù hợp.
"Nhà nước thu phí tất nhiên cũng ảnh hưởng đến người dân tham gia giao thông khi phải bỏ chi phí, tuy nhiên người dân cũng cần đóng góp để nhà nước thu lại để tái đầu tư hoặc sửa chữa đường. Đa số các nước cũng thực hiện việc thu phí này", ông Hòa nêu.
Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp, chỉ nên thí điểm thu một số dự án đã và đang vận hành, có lưu lượng phương tiện lưu thông đông mà không nên thu đại trà tất cả các tuyến. Thời gian thí điểm có thể 3 - 5 năm, sau đó tổng kết đánh giá lại, nếu nguồn thu được từ cao tốc được sử dụng khả thi, hiệu quả thì có thể xin Quốc hội tiếp tục triển khai hoặc sửa luật Phí và lệ phí để thu.
Thực tế nếu cao tốc do ngân sách đầu tư thu phí, người dân phải chi trả cùng lúc 2 loại phí là phí cao tốc và phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ GTVT, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn sử dụng đường cao tốc (phải trả tiền sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí và được hưởng lợi ích tăng thêm) hoặc sử dụng đường song hành (không phải trả tiền sử dụng đường cao tốc). Việc thu tiền sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc không làm phát sinh phí trùng phí.
Dù vậy, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thực tế người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ cũng là nộp tiền vào ngân sách. Dù mức phí bảo trì hiện nay không đủ để đáp ứng chi phí duy tu, bảo trì, song để tránh phí chồng phí, khi tính toán mức phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách phải cân nhắc giảm trừ mức phí bảo trì đường bộ người dân đã đóng.
Ý kiến:
Thu ở mức thấp để người dân chấp nhận được
Phải tính toán mức thu phí hợp lý, thu ở mức thấp nhất để người dân chấp nhận được và thu có thời hạn, quy định trong bao nhiêu năm phải công khai rõ. Người dân đóng góp với nhà nước nên không phải thu để có lãi, mà thu để tái đầu tư, tu bổ những đoạn đường hư hỏng, hoặc đầu tư cho các dự án hạ tầng tại miền núi vùng sâu vùng xa khó khăn…Mức thu phí phải được tham khảo và thống nhất của các địa phương nơi có tuyến đường chạy qua.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
Tăng phí xe tải, container cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP.HCM - Dầu Giây
Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) vừa thông báo sẽ điều chỉnh mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc đối với nhóm xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet) trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Trong đó, xe nhóm 4 đi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cự ly dài nhất từ Liêm Tuyền đến Cao Bồ (hoặc ngược lại) có mức phí mới 108.000 đồng thay vì 88.000 đồng; xe nhóm 5 đi hết cao tốc có mức phí là 173.000 đồng thay vì 133.000 đồng như hiện nay. Các cự ly ngắn hơn có mức tăng tương đương.
Với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xe nhóm 4 đi cự ly dài nhất từ Long Phước đến Dầu Giây (hoặc ngược lại) có mức phí mới 250.000 đồng thay vì 236.000 đồng; xe nhóm 5 đi hết lộ trình trên có mức phí 400.000 đồng thay vì 373.000 đồng như hiện nay.