Lâu nay doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn quen ký hợp đồng với nước ngoài sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Với cách làm này, doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia xuất khẩu. Và đó cũng là lý do rất ít doanh nghiệp có "chân hàng" (gạo trong kho) hoặc ký hợp đồng với nông dân để luôn có gạo xuất khẩu. Nhưng khi thị trường gạo biến động như đang xảy ra, giá gạo trong nước tăng nhanh hơn giá mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu, có hai khả năng xảy ra: doanh nghiệp rơi vào thua lỗ hoặc đành "bẻ kèo" xù hợp đồng. Tình trạng này đã từng xảy ra nhiều năm trước, nay có nguy cơ lặp lại.
Doanh nghiệp xuất khẩu nếm mùi thua lỗ
Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo khi giá gạo thế giới ở mức 550 USD/tấn, trước thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, đều đang bị lỗ khoảng 30 USD/tấn do phải mua gạo trong nước giá cao để giao hàng cho đối tác. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, đã có hiện tượng nông dân "bẻ kèo", đền cọc cho những nhà máy để mong bán lúa với giá cao hơn…
Ngày 9-8, đại diện Công ty CP Lương thực Bình Định tại An Giang cho biết do giá gạo trong nước cao hơn giá gạo xuất khẩu nên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. "Với gạo Đài thơm 8 loại 5% tấm, giá trong nước đã gần 16.000 đồng/kg, còn gạo OM5451 là 15.700 đồng/kg rồi. Trong tháng 8 này, chúng tôi có kế hoạch xuất khẩu 200 container, tương đương trên 5.000 tấn gạo, đi các nước, chủ yếu là Philippines, gần như không có lợi nhuận", vị này nói.
Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho hay giá gạo tăng đột biến sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo một phần do tâm lý, phần khác do nhà xuất khẩu đẩy giá lên cao. Trong đó, giá gạo xuất khẩu của VN đang dao động ở mức 610 - 620 USD/tấn. Giá gạo tăng, giá lúa tăng theo, chủ yếu do thương lái đi thu gom rồi đẩy giá lên. Tuy nhiên, với giá lúa hiện nay, doanh nghiệp không ký hợp đồng xuất khẩu vì sẽ thua lỗ.
Cụ thể, theo ông Bình, giá lúa được nông dân bán ra tại ruộng là 7.500 đồng/kg lúa tươi hoặc 9.500 đồng/kg lúa khô. Bình quân 1kg lúa sẽ thu hồi được 60% gạo, cộng với các loại chi phí như vận chuyển, chế biến, bao bì và vận tải xuất khẩu… (khoảng 600 đồng), tính ra giá gạo đã lên tới 16.000 đồng/kg. "Như vậy, giá gạo xuất khẩu đã bị đội lên 16 triệu đồng/tấn, tương đương 670 - 680 USD/tấn, vượt mức giá gạo xuất khẩu hiện nay", ông Bình nói.
Một lãnh đạo công ty chế biến gạo xuất khẩu ở TP Cần Thơ cũng cho rằng giá lúa tăng lên mỗi ngày theo kiểu "mở mắt ra là giá tăng" khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó. Cụ thể, những hợp đồng mà doanh nghiệp này đã ký với đối tác nước ngoài trước đây ở mức 550 USD/tấn, nhưng giờ giá thực tế tăng lên mức 610 - 620 USD/tấn và đang tiếp tục tăng chưa có điểm dừng. "Giá lúa nguyên liệu trong nước cũng tăng cao, chúng tôi đã bị thua lỗ khi phải mua hàng giao theo hợp đồng", vị này nói.
Một doanh nghiệp cho biết lượng tồn kho của doanh nghiệp này không còn bao nhiêu do từ tháng 11-2022 đã bán đi nhiều, vụ đông xuân năm 2022 - 2023 lại trễ hơn bình thường. Đợt mưa dầm kéo dài mới đây khiến nhiều diện tích lúa mà doanh nghiệp này mua ở An Giang, Sóc Trăng bị ngập trong nước, việc thu mua rất khó khăn, không đủ nhu cầu. Trong khi đó, nhiều nông dân có lúa trong đồng không nhận đặt cọc mà chờ giá lúa tăng. "Sắp tới nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn vì trả nợ hợp đồng không kịp", vị này cảnh báo.
Dừng mua gạo, ngại ký hợp đồng mới
Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng giai đoạn này các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không dám làm liều ký hợp đồng xuất khẩu. Theo đại diện Công ty CP Lương thực Bình Định tại An Giang, với diễn biến giá lúa gạo trong nước hiện nay, chỉ khi có gạo doanh nghiệp mới dám ký hợp đồng.
"Giá gạo trong nước cao quá, nếu ký hợp đồng mà không có hàng cung ứng sẽ khó khăn. Lo nhất là nếu sắp tới Ấn Độ cho xuất gạo trở lại, doanh nghiệp sẽ thua lỗ nặng, vì giá gạo trong nước và xuất khẩu sẽ xuống mạnh", vị này nói.
Ông Phạm Thái Bình cũng cho rằng giá lúa trên 7.500 đồng/kg, các doanh nghiệp không có lợi nhuận nên hầu như không mua lúa, nếu có chỉ là thương lái và nông dân găm hàng chờ tăng giá. "Nhiều doanh nghiệp dừng thu mua, nếu có mua cũng chỉ nhằm trả nợ hợp đồng trước đó. Một số khác đang đàm phán với đối tác nước ngoài để giao hàng chậm đến vụ đông xuân tới", ông Bình nói.
Theo ông Bình, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu từ 570 - 620 USD/tấn gạo, nếu mua lúa với giá cao để trả nợ hợp đồng phải chịu thua lỗ khoảng 30 USD/tấn. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải đàm phán với đối tác nước ngoài để kéo dài thời gian giao hàng theo hợp đồng.
"Riêng Công ty Trung An đã đàm phán với đối tác để kéo dài thời gian giao hàng đến vụ đông xuân và được đồng ý. Nếu thương lái, nông dân găm hàng chờ tăng giá sẽ bị thua lỗ nặng. Vì doanh nghiệp không ký hợp đồng, làm sao tiêu thụ số lượng lúa lớn như vậy", ông Bình khẳng định.
Ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng giá gạo xuất khẩu tăng lẽ ra là cơ hội để gạo Việt có thể khẳng định uy tín trên thị trường với nguồn cung ổn định, chất lượng tốt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó, khi chưa có hàng cũng không có cam kết với nông dân trồng lúa. Khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng, các doanh nghiệp phải giành giật nhau mua gạo giá cao nhằm có hàng giao theo hợp đồng, các nhà máy xay xát đi mua lúa giá cao.
"Giá lúa tăng do thông tin nhiễu loạn, nông dân bẻ kèo đền cọc cho những nhà máy đã đặt cọc để mong bán lúa giá cao hơn nữa… Hiện tượng này làm cho thị trường lúa gạo trong nước bị nhiễu loạn một cách không cần thiết, thậm chí có hại về lâu dài do quan hệ đối tác bị bẻ gãy, nông dân, thương lái, nhà máy và nhà xuất khẩu không còn tin tưởng lẫn nhau", ông Thuận cảnh báo.
Phải nắm được sản lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu
Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho rằng để ngành lúa gạo phát triển bền vững, doanh nghiệp phải liên kết với nông dân và ngược lại nhằm tạo vùng nguyên liệu vững chắc, ổn định về số lượng, chất lượng, giá cả. "Nếu có hợp đồng liên kết sẽ có lợi trong chuỗi giá trị bán hàng, bởi doanh nghiệp sẽ kiểm soát được nguồn hàng trước khi ký kết hợp đồng", ông Cường nói.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng cơ quan chức năng cần nắm rõ lượng hợp đồng xuất khẩu gạo mà doanh nghiệp đã ký kết, với sản lượng xuất khẩu mỗi tháng. Theo bà Lê Hoàng Đài Trang - chủ tịch HĐQT Công ty CP Gavi, phải nắm rõ lại số lượng các hợp đồng đã được doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký kết trong những tháng cuối năm nhằm tránh chênh lệch cung cầu.
Đại diện Hiệp hội Lương thực VN cho biết nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo trước đây có quản lý về việc đăng ký hợp đồng, có cơ quan theo dõi tình hình ký kết, thực hiện cũng như tồn kho để trong điều hành vĩ mô có chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, khi nghị định 107 về xuất khẩu gạo ra đời để thay thế cho nghị định 109, việc báo cáo, theo dõi số lượng thực hiện chưa nghiêm.
"Số hợp đồng đã được doanh nghiệp ký kết và chờ giao hàng từ nay đến cuối năm là bao nhiêu, không ai biết. Khi giá lên quá cao, nếu các doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhưng không giao hàng được, ngành lúa gạo VN sẽ mất uy tín, mất luôn thị trường, khách hàng", vị này cảnh báo.
Siêu thị ưu tiên nhập gạo bình ổn giá, tăng khuyến mãi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM đã chủ động tăng dự trữ gạo bình ổn giá.
Đại diện Saigon Co.op cho biết nguồn cung và giá gạo tại hệ thống siêu thị vẫn ổn định. Hệ thống này sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp để giữ và giảm giá bán, đặc biệt đã ký hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp gạo. Do vậy nơi này đang bình ổn gạo trắng thường và gạo trắng thơm với lượng dự trữ trong tháng thường là 1.270 tấn.
Dự kiến từ ngày 10 đến 23-8, các điểm bán trong hệ thống sẽ đồng loạt khuyến mãi mặt hàng gạo. Cụ thể gạo thơm thượng hạng Neptune vàng 4kg giảm từ 204.000 đồng/túi còn 134.500 đồng/túi, gạo Japonica Neptune 5kg giảm giá từ 162.000 đồng/túi còn 134.500 đồng/túi. Ngoài ra, gạo thơm ST25 lúa tôm Co.op Finest 5kg cũng giảm còn 129.000 đồng/túi kèm theo điều kiện.
"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ và luôn đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch. Giá bán cũng được cam kết giữ ổn định, không chịu biến động từ thị trường. Trong trường hợp thị trường có biến động cục bộ, các Co.opmart, Co.opXtra thường xuyên tổ chức chương trình bán hàng lưu động", vị này cho biết.
Theo đại diện MM Mega Market, hệ thống này có hai nhà cung cấp gạo chủ lực đang tham gia chương trình bình ổn và vẫn còn giữ giá bán như đăng ký, những nhà cung cấp khác đều có văn bản đề nghị tăng giá gạo, mức tăng từ 15 - 20%. Do đó, bộ phận thu mua của hệ thống này ra thông báo ưu tiên nhập mặt hàng gạo nằm trong chương trình bình ổn giá, hạn chế lại các mặt hàng tăng giá.
"Nguồn cung gạo không thiếu nhưng để ổn định mức giá tốt, chúng tôi đã chủ động tăng lượng nhập hàng", vị này thông tin. Đại diện hệ thống siêu thị GO!, Big C cũng cho biết tình hình kinh doanh mặt hàng này vẫn bình thường, không có đột biến về lượng mua...
Trước đó, Sở Công Thương TP đã có văn bản đề nghị doanh nghiệp bình ổn thị trường cung ứng đủ và giữ ổn định giá gạo trong mọi tình huống.
VCCI vừa có góp ý về dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.