Tổng cục Thuế vừa ban hành Công điện số 07/CĐ-TCT ngày 9/8/2023 gửi Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng.
Nội dung Công điện số 07/CĐ-TCT nêu rõ, trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tiếp tục đẩy nhanh công tác giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, gần 80% hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng đã được ngành thuế phân loại thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau và giải quyết nhanh chóng trong vòng 6 ngày làm việc, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên vẫn còn tình trạng chậm, muộn tại một số địa phương trong việc kiểm tra, xác minh đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế khẩn trương thực hiện ngay một số yêu cầu sau:
Một là, Cục Thuế rà soát công tác phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo đúng quy định.
Đồng chí Cục trưởng trực tiếp và phân công các đồng chí Phó Cục trưởng rà soát đến từng hồ sơ đề nghị hoàn thuế, đặc biệt là hồ sơ đã được phân loại kiểm tra trước, hoàn thuế sau để đẩy nhanh công tác kiểm tra, xác minh điều kiện hoàn thuế.
Hai là, đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng mà cơ quan thuế đã kết thúc kiểm tra, xác định đủ điều kiện hoàn thì thực hiện giải quyết hoàn thuế ngay.
Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp xuất khẩu đang được kiểm tra, xác minh mà đã quá thời hạn giải quyết theo quy định, trường hợp kết quả kiểm tra, xác minh đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện các hành vi gian lận về thuế thì cơ quan thuế căn cứ hồ sơ và các tài liệu kèm theo của doanh nghiệp cung cấp để xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thuế và thực hiện giải quyết hoàn thuế theo quy định.
Trường hợp sau khi giải quyết hoàn thuế, cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp có hành vi kê khai sai về số thuế đề nghị hoàn thuế thì doanh nghiệp phải nộp lại số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp theo quy định, đồng thời doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi vi phạm của mình.
Đối với các hồ sơ cơ quan thuế phát hiện các hành vi, dấu hiệu gian lận nhằm trục lợi tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước thì củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan Công an điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp được biết và căn cứ kết luận của các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Ba là, tiếp tục sắp xếp, bố trí bổ sung cán bộ, công chức tham gia giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, nhất là hồ sơ của các doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo đến hết tháng 9 năm 2023, kết quả hoàn thuế giá trị gia tăng đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay các chỉ đạo nêu trên.
Chậm hoàn thuế gia tăng, trách nhiệm thuộc về ai?
Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, trả lời báo chí về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, về quy định hoàn thuế giá trị gia tăng, hiện nay đã có quy định trong Luật Quản lý thuế, chia rõ ra 2 trường hợp: Hoàn trước-kiểm sau và kiểm trước-hoàn sau.
Trong cả hai trường hợp này đều có quy định về thời hạn hoàn thành, tính từ khi doanh nghiệp trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp hoàn trước-kiểm tra sau thì quy định là 6 ngày. Còn đối với kiểm tra trước-hoàn sau, quy định là 40 ngày.
Tình hình cụ thể hiện nay, trong năm 2022, cơ quan thuế trên cả nước đã hoàn thuế trên 150.000 tỷ đồng với 20.774 quyết định hoàn thuế.
Riêng 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế cả nước đã hoàn cho các doanh nghiệp là 70.356 tỷ đồng với 9.800 quyết định hoàn thuế.
Trong các trường hợp hoàn thuế vừa nêu, theo phân loại, gần 80% thuộc nhóm 1 là hoàn trước-kiểm sau; còn lại hơn 20% thuộc nhóm kiểm trước-hoàn sau.
Với câu hỏi nếu chậm hoàn thuế thì trách nhiệm thuộc về ai, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ: Muốn xác định trách nhiệm khi chậm hoàn thuế thuộc về cơ quan thuế hay thuộc về doanh nghiệp, người dân, chúng ta cần phải xem xét đến từng trường hợp cụ thể, hồ sơ cụ thể và từ đó xác định nguyên nhân do đâu.
"Tuy nhiên, đứng về phía cơ quan nhà nước, cơ quan thuế, tôi cho rằng, một khi việc hoàn thuế chậm thì cơ quan nhà nước phải xem xét, rà soát, cải tiến để không còn việc chậm hoàn thuế nữa". Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nói.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, trước hết, chúng ta cần phải rà soát các quy định của pháp luật, quy trình và cách thức triển khai công tác hoàn thuế, xét điều gì chúng ta có thể cải tiến được, thay đổi được, rút ngắn quy trình này lại, vừa bảo đảm yêu cầu nhanh, chính xác, phòng ngừa rủi ro, chống gian lận, lậu thuế trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.
T.M