Mặc dù khởi động phiên giao dịch hôm nay 10-8 thị trường chứng khoán xanh rực rỡ, nhưng sau đó áp lực chốt lời càng lớn dần, bên mua trở nên yếu thế, sắc đỏ chiếm lấy toàn bộ sàn giao dịch. Số lượng cổ phiếu rớt giá trở nên áp đảo với 666 mã, gấp đôi số mã tăng.
Thị trường lao dốc, tiền vẫn đổ vào cổ phiếu bất động sản
Dòng tiền bị nhà đầu tư rút ra mạnh ở hàng loạt cổ phiếu ngành ngân hàng, nổi bật là VCB (Vietcombank), BID (BIDV), CTG (Vietinbank), TCB (Techcombank), MBB (MBBank)… Bên cạnh đó, thị trường còn bị kéo xuống khi nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc các nhóm ngành khác bị sụt giảm điểm, trong đó có GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), HPG (Thép Hòa Phát), BCM (Becamex)…
Giữa lúc thị trường chung đỏ lửa, các cổ phiếu ngành bất động sản lội ngược dòng và tăng mạnh.
Mã VIC của Tập đoàn Vingroup dẫn đầu đà tăng, khép phiên ở mức 67.900 đồng/cổ phiếu (+3,2%), vốn hóa nhận về thêm 8.000 tỉ đồng. Trước đó, hãng xe điện VinFast cho biết vào hôm nay các cổ đông của Black Spade tổ chức đại hội cổ đông đặc biệt để thông qua giao dịch hợp nhất với VinFast, tức bỏ phiếu có hoàn tất thương vụ đưa IPO hãng xe lên sàn chứng khoán Mỹ hay không.
Hai mã còn lại của "họ Vin", VRE (Vincom Retail) bị giảm xuống giá 30.050 đồng/cổ phiếu (-2,8%) và VHM (Vinhomes) đứng yên ở giá 60.600 đồng.
Cũng trong nhóm bất động sản, cổ phiếu NVL (Novaland) đón dòng tiền đổ vào mua khá tốt, giá được đẩy lên 20.600 đồng/cổ phiếu (+3,5%).
Diễn biến này được thúc đẩy từ thông tin UBND TP.HCM vừa ra chỉ đạo gỡ vướng mắc pháp lý với dự án The Grand Manhattan (đường Cô Giang, Q.1, giá trị hơn 650 triệu USD) của Novaland. Mới đây dự án Aqua City và NovaWorld Phan Thiết cũng được tháo gỡ dần các vướng mắc pháp lý.
Nhiều mã khác trong ngành bất động sản đón nhận sắc tím, với mức tăng trần 7% trong phiên hôm nay, như: QCG (Quốc Cường Gia Lai), SJS (Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà), CIG (COMA 18), VPH (Vạn Phát Hưng)...
Đà giảm của thị trường cũng được kìm hãm phần nào nhờ vào diễn biến tăng của các cổ phiếu GAS (PetroVietnam Gas), OCB (Ngân hàng Phương Đông), BHN (Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội), ACG (Gỗ An Cường)…
Sau khi trải qua khoảng thời gian giằng co, chỉ số chứng khoán VN-Index cuối cùng khép phiên với mức giảm 13,38 điểm (-1,08%) lùi về 1.220,61 điểm. Cả sàn HNX và sàn UPCoM cũng không thể bám trụ được sắc xanh, lần lượt giảm 1,97 điểm (-0,8%) xuống 243,91 điểm và 0,7 điểm (-0,75%) xuống 93,1 điểm.
Tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu trong phiên đạt hơn 23.700 tỉ đồng, giảm nhẹ 4% so với phiên trước. Đồng thuận với nhà đầu tư trong nước, khối ngoại bán ròng hơn 350 tỉ đồng.
Cân nhắc bán các mã đã giảm dưới vùng hỗ trợ
Ngay khi phiên hôm nay chốt lại, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lập tức đưa ra nhận định: Về góc nhìn kỹ thuật, chỉ số VN-Index hình thành nến đỏ giảm điểm, củng cố thêm cho tín hiệu mẫu hình nến Evening star (nến sao hôm, thể hiện xu hướng đảo chiều - giảm, thường xảy ra ở cuối của một xu hướng tăng) trước đó.
Ở cả hai khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo đều cho tín hiệu suy yếu và đảo chiều giảm xuống khu vực phía dưới. Nếu áp lực bán mạnh tiếp tục gia tăng, chỉ số chung sẽ tiếp tục điều chỉnh và mốc hỗ trợ gần nhất của thị trường sẽ quanh khu vực 1.200 điểm.
Vì vậy, phía VCBS giữ nguyên quan điểm: "Các nhà đầu tư chủ động thu gọn danh mục thị trường, bán giảm những mã cổ phiếu đã giảm dưới vùng hỗ trợ và ưu tiên nâng cao tỉ trọng tiền mặt thay vì giải ngân bắt đáy sớm".
Phía chứng khoán Yuanta cho biết rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng, nhà đầu tư nên hạn chế mua mới trong ngắn hạn và ưu tiên cổ phiếu có sẵn trong tài khoản.
Cuộc đua tăng vốn công ty chứng khoán vẫn tiếp tục nóng. Ở mỗi doanh nghiệp có câu chuyện riêng, có đơn vị phải tăng để bù lại dòng vốn khi phải 'ngâm' lượng rất lớn trái phiếu.