Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 10/8 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,70 – 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 11,6 USD lên 1.913,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục và lên gần 1.920 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,19 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.826 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.570 – 23.910 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 29.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã chững lại và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,18 USD (-0,21%), xuống 84,22 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,10 USD (-0,11%), xuống 87,45 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục điều chỉnh
Sau phiên sáng có phần thận trọng và thăm dò, sức ép gia tăng trên diện rộng ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều khi nhà đầu tư chốt lời nhiều nhóm ngành khiến bảng điện tử tràn ngập sắc đỏ. Chỉ số VN-Index đuối sức và lùi dần về các ngưỡng điểm thấp hơn và được chặn lại khi chạm gần 1.220 điểm.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 28,97 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương 371,22 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 10/8: VN-Index giảm 13,38 (-1,08%), xuống 1.220,61 điểm; HNX-Index giảm 1,97 điểm (-0,8%), xuống 243,91 điểm; UpCoM-Index giảm 0,7 điểm (-0,75%), xuống 93,1 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Tư (09/8), khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu lạm phát dự kiến công bố vào cuối tuần này.
Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo chỉ số lạm phát của Mỹ sẽ tăng 3,3% trong tháng 7.
Các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 86,5% Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 - theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool. Tuy nhiên, khả năng này có thể thay đổi nếu báo cáo CPI mang tới những con số có sự chênh lệch lớn với dự báo.
Kết thúc phiên 9/8: Chỉ số Dow Jones giảm 191,13 điểm (-0,54%), xuống 35.123,36 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 31,67 điểm (-0,70%), xuống 4.467,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 162,31 điểm (-1,17%), xuống 13.722,02 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều tăng, khi các kết quả kinh doanh khả quan trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã bù đắp cho sự thận trọng trước dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ được công bố.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,84% lên 32.473,65 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,92% lên 2.303,51 điểm.
"Thị trường được hỗ trợ bởi các công ty báo cáo kết quả kinh doanh. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua nhìn chung rất tích cực. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát của Mỹ sắp được công bố vào thời điểm lợi suất trái phiếu dài hạn ở Mỹ và Nhật Bản biến động, điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng”, Shoichi Arisawa, tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư tại IwaiCosmo Securities, cho biết.
Thị trường Nhật Bản sẽ đóng cửa vào thứ Sáu để nghỉ lễ.
Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, Honda Motor tăng 5,87%, thúc đẩy lớn nhất cho Topix, sau khi nhà sản xuất ô tô báo cáo lợi nhuận quý vừa qua tăng 78%.
Cổ phiếu Inpex tăng 16,62% sau khi công ty thăm dò dầu khí nâng dự báo lợi nhuận ròng cả năm thêm 7% và công bố các biện pháp để tăng giá trị của công ty và lợi nhuận của cổ đông.
Lĩnh vực khai khoáng tăng 14,93%, trở thành ngành hoạt động hàng đầu trong số 33 chỉ số phụ ngành trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi việc dỡ bỏ lệnh cấm trong thời kỳ đại dịch đối với các tour du lịch nhóm ra nước ngoài đã thúc đẩy các cổ phiếu liên quan đến hàng không và du lịch.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,31% lên 3.254,66 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,21% lên 3.975,72 điểm.
Chỉ số ngành du lịch CSI tăng 2% sau tin tức rằng các tour du lịch có thể được nối lại trên các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.
Cổ phiếu Air China niêm tăng 4,86%, trong khi cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Trip.com tăng 2,71%.
Cổ phiếu năng lượng và dầu mỏ cũng tăng, với chỉ số năng lượng tăng 2,12% với Yankuang Energy tăng 5,54% lên mức cao nhất trong hai tuần.
Tuy nhiên, sự phục hồi chững lại của nền kinh tế Trung Quốc và tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao cũng hạn chế mức tăng của các chỉ số chính. Các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Ba rằng, gần một nửa số sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc đang từ bỏ các thành phố lớn và trở về quê sau khi tốt nghiệp do thị trường việc làm chùng xuống.
Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng nhẹ về cuối phiên, sau khi các biện pháp mới của Washington về hạn chế đầu tư vào Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về rủi ro địa chính trị.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,01% lên 19.248,26 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,23% lên 6.628,55 điểm.
Cổ phiếu China Unicom tăng mạnh nhất trong bốn tuần sau khi báo cáo lợi nhuận nửa đầu năm tăng 14% lên 12,4 tỷ nhân dân tệ và thêm 5,3 triệu thuê bao di động mới, mức tăng ròng nửa đầu năm cao nhất trong bốn năm.
Bên cạnh đó, Trip.com Group tăng sau khi Trung Quốc nối lại du lịch theo nhóm đến Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, chỉ số bất động sản đại lục giảm 2,08% sau khi Country Garden không trả được 22,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu đến hạn vào đầu tháng này và các nhà đầu tư vẫn hoài nghi liệu lĩnh vực nợ nần chồng chất này có thể sớm quay đầu hay không.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ, khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước dữ liệu lạm phát của Mỹ, bất chấp sự phục hồi của cổ phiếu của các công ty nhạy cảm với nhu cầu ở Trung Quốc với hy vọng có nhiều khách du lịch đến hơn.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 3,56 điểm, tương đương 0,14% xuống 2.601,56 điểm.
"Tâm điểm chú ý là các cổ phiếu liên quan đến chi tiêu và giải trí của Trung Quốc, khi đã tăng mạnh khi mở thêm các chuyến du lịch theo nhóm", Lee Kyoung-min, nhà phân tích tại Daishin Securities, cho biết.
Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế thời đại dịch đối với các tour du lịch theo nhóm đối với nhiều quốc gia hơn, bao gồm các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.
Theo đó, các cổ phiếu như Hotel Shilla tăng 17,3%, Hana Tour tăng 10%, nhà điều hành casino Grand Korea Leisure tăng 20,45%.
Các nhà sản xuất sản phẩm làm đẹp Amorepacific Corp và LG Household &; Care lần lượt tăng 7,76% và 13,31%.
Kết thúc phiên 10/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 269,32 điểm (+0,84%), lên 32.473,65 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,07 điểm (+0,31%), lên 3.254,66 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 2,23 điểm (+0,01%), lên 19.248,26 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 3,56 điểm (-0,14%), xuống 2.601,56 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Cần đẩy mạnh chính sách tài khóa
Kinh tế sẽ hồi phục, bởi tính hiệu quả của chính sách tiền tệ đang dần phát huy tác dụng, chắc chắn tốc độ tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm sẽ cao hơn 6 tháng đầu năm. Thế nhưng, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5% không cao, có thể chỉ đạt 5 - 6%..>> Chi tiết
- Phía sau những đại án trên thị trường chứng khoán
Năm 2022 - 2023, các vụ án trên thị trường chứng khoán liên tục bị cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng, từ vụ thao túng giá cổ phiếu tại Tập đoàn FLC, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua phát hành trái phiếu tại Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát cho tới vụ án thao túng giá của nhóm Louis và mới đây là của nhóm APEC...>> Chi tiết
- VNDIRECT: Lợi nhuận quý II/2023 các doanh nghiệp niêm yết dần hồi phục
VNDIRECT vừa công bố đánh giá toàn cảnh về kết quả kinh doanh quý II/2023 của các doanh nghiệp cho thấy, kết quả đã cải thiện so với thời điểm quý I/2023..>> Chi tiết
- Cổ phiếu không còn rẻ
VN-Index vừa có một số phiên điều chỉnh, nhưng nhiều cổ phiếu đang ở mặt bằng giá cao so với 3 tháng trước, trong khi kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 nhìn chung kém khả quan, khiến định giá cổ phiếu không còn rẻ..>> Chi tiết
- Nhiều nước châu Âu đánh thuế lợi nhuận đột biến của ngành ngân hàng
Các chính phủ trong khu vực EU đang tìm cách đánh thuế vào lợi nhuận của những ngân hàng đang thu lợi khổng lồ nhờ lãi suất tăng..>> Chi tiết