vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh tế Trung Quốc lạc nhịp với thế giới

2023-08-12 08:08

Với các dữ liệu kinh tế tháng 7 vừa được công bố, nguy cơ giảm phát ở Trung Quốc đã hiển hiện rất rõ ràng. Lần đầu tiên kể từ năm 2020, cả chỉ số giá tiêu dùng và giá sản xuất đều giảm, nối dài thêm nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

1.Vì sao Trung Quốc lại giảm phát trong khi các nước khác đều đang trong thời kỳ lạm phát?

Khi mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn đều chứng kiến lạm phát tăng vọt do nhu cầu chi tiêu bù và người dân sẵn có trong tay nhiều tiền mặt (từ các chương trình trợ cấp của chính phủ). Hồi đầu năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế cũng dự báo điều tương tự sẽ diễn ra ở Trung Quốc – quốc gia mở cửa sau cùng.

Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. Chi tiêu tiêu dùng hồi phục khá chậm, trong khi thị trường bất động sản khủng hoảng trong thời gian dài khiến niềm tin suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến người dân hạn chế chi những khoản lớn. Từ đó ảnh hưởng đến giá của những mặt hàng như đồ nội thất và đồ gia dụng.

Ngoài ra giá năng lượng cũng giảm do giá thế giới giảm và các biện pháp kiểm soát ngành điện. Cuộc chiến giá cả giữa các nhà sản xuất ô tô càng tạo thêm áp lực giảm phát, trong khi các công ty cũng hạ giá bán để đẩy bớt lượng hàng tồn kho đã tích tụ trong đại dịch.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều giảm giá. Giá của các dịch vụ, ví dụ như du lịch và nhà hàng, đã tăng lên kể từ khi các biện pháp chống dịch được dỡ bỏ.

2.Tại sao mọi thứ đều giảm giá lại là tin không tốt đối với người tiêu dùng?

Thông thường giá rẻ hơn thì sẽ kích cầu, nhưng không phải lúc nào điều đó cũng đúng. Khi giá giảm trên diện rộng trong thời gian quá dài, mọi người bắt đầu nghĩ rằng tốt hơn nên trì hoãn mua sắm những thứ đắt tiền, đợi giá giảm sâu hơn nữa mới mua. Điều này khiến nền kinh tế bị ghìm cương, và còn khiến các doanh nghiệp buộc phải hạ giá bán hơn nữa để có thể tăng doanh số.

Đối với người tiêu dùng, điều này đồng nghĩa thu nhập giảm, hoặc thậm chí mất việc làm. Câu chuyện lại quay trở về điểm xuất phát là chi tiêu giảm, tạo ra 1 vòng luẩn quẩn rất nguy hiểm.

3.Các doanh nghiệp bị tác động như thế nào?

Giá giảm thường dẫn đến doanh thu và lợi nhuận giảm, từ đó khiến các công ty giảm tuyển dụng và đầu tư. Giảm phát cũng khiến lãi suất thực tăng lên (tức lãi suất đã điều chỉnh theo lạm phát). Với chi phí đi vay tăng, các doanh nghiệp sẽ giảm đầu tư và gánh nặng giảm phát càng lớn hơn nữa.

Một số chuyên gia kinh tế tin rằng “giảm phát nợ” có thể châm ngòi cho suy thoái khi nhiều người vỡ nợ và các ngân hàng bị bào mòn. Đó chính xác là những gì đã diễn ra tại Nhật Bản, nơi trải qua giảm phát trong những năm 1990 và kéo theo là thời kỳ trì trệ kéo dài suốt vài thập kỷ.

Cho đến tận ngày nay, giảm phát vẫn ám ảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Nước Nhật hiện vẫn đau đầu với câu hỏi làm thế nào để có thể tạo ra tăng trưởng một cách bền vững. Chính sách lãi suất âm không đem lại nhiều tác dụng như mong muốn.

4.Giảm phát ở Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu?

Thực phẩm và năng lượng là 2 mặt hàng tạo ra nhiều áp lực giảm phát nhất trong tháng 7. Các chuyên gia kinh tế nhận định áp lực sẽ giảm bớt trong những tháng cuối năm. Trong khi đó chỉ số giá sản xuất đã suy giảm trong 1 thời gian dài, suốt từ tháng 10/2022 đến nay. Tuy nhiên, số liệu tháng 7 đã cải thiện chút ít so với tháng 6.

Nhìn chung, trong 10 năm gần đây, lạm phát ở Trung Quốc cũng ở mức thấp. Theo giới phân tích, nguyên nhân là do tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình và mức đầu tư của nền kinh tế khá cao, dẫn đến năng suất tăng nhanh.

5. Bắc Kinh sẽ làm gì để đối phó với giảm phát?

NHTW Trung Quốc có thể hạ lãi suất hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Vấn đề là có một số yếu tố cản đường PBOC, như đồng nhân dân tệ yếu và mức nợ cao, đặc biệt là nợ của các chính quyền địa phương.

Về chính sách tài khóa, các nhà hoạch định chính sách không muốn dựa vào những gói kích thích khổng lồ như trong quá khứ. Thay vào đó là những gói kích thích hỗ trợ những chiến lược cụ thể. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang khuyến khích các chính quyền địa phương tìm giải pháp để người dân chi tiêu nhiều hơn.

6. Các nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng như thế nào?

Có lẽ thứ chịu tác động rõ ràng nhất chính là lợi nhuận của các doanh nghiệp, nếu nhìn vào áp lực phải hạ giá bán mà họ phải chịu trong thời kỳ giảm phát. Nỗi lo về tăng trưởng và hạn chế đầu tư thường dẫn đến chính sách tiền tệ được nới lỏng, giúp trái phiếu Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, theo Ken Cheung, chiến lược gia của Mizuho Bank, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc đơn giản là “quá thấp so với các thị trường lớn”, do đó không hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

7. Điều này có ý nghĩa gì đối với kinh tế toàn cầu?

Các nước phát triển sẽ hưởng lợi, ít nhất là trong ngắn hạn. Khi các nhà sản xuất Trung Quốc phải hạ giá bán để giảm dư thừa nguồn cung, giá cả ở những thị trường như Mỹ và châu Âu sẽ giảm xuống, giúp NHTW các nước này có thêm dư địa để triển khai các biện pháp chống lạm phát.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những nước này đã gia tăng chính sách bảo hộ và cố gắng giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Hơn nữa, hàng “made in China” cũng chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong chi tiêu tiêu dùng ở các nước phát triển. Ví dụ, trong rổ tính toán chỉ số CPI của Mỹ thì chỗ ở, thực phẩm, năng lượng và y tế là những thứ chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Trong khi đó các thị trường mới nổi có thể hưởng lợi khi giá máy móc thiết bị giảm. Tuy nhiên, họ sẽ lo lắng về các ngành công nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

8. Trung Quốc đã từng phải đối mặt với áp lực giảm phát?

Có. Trong các năm 2009, 2015 và 2020, Bắc Kinh đã chống giảm phát bằng cách nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa. Mặc dù mới đây Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy một số dự án cơ sở hạ tầng và tăng hỗ trợ cho thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán hoạt động xây dựng sẽ không bùng nổ như trong quá khứ, vì Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới (ví dụ như lĩnh vực công nghệ cao).

Điều này giống với thời kỳ năm 1998, khi Bắc Kinh tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém và thu hẹp quy mô của các tập đoàn nhà nước trước thềm gia nhập WTO.

Tham khảo Bloomberg

Xem thêm: nhc.640420470218032881-nauq-naul-gnov-iohk-taoht-iol-ar-mit-ohk-ioig-eht-iov-pihn-cal-couq-gnurt-et-hnik/nv.fefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kinh tế Trung Quốc lạc nhịp với thế giới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools