Không chỉ tâm tư, đó còn là các hiến kế gợi mở, sáng tạo, hướng tới nâng chất đời sống sinh viên TP.
Chuyện sinh viên cần
Bạn Thanh Mẫn (Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng sự thay đổi môi trường sống, học tập, tác động của công nghệ số ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe tâm thần sinh viên. "Mỗi trường cần có hoạt động liên quan đến thăm khám sức khỏe tâm thần sinh viên, nên xem là một trong các chỉ tiêu công tác", Mẫn nêu ý kiến.
Mở rộng, bạn Tuấn Đạt (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) chỉ ra trong các đề án, chương trình của Hội Sinh viên TP hiện vẫn thiếu đề án nâng cao sức khỏe cho sinh viên. Bằng góc nhìn của bác sĩ tương lai, Đạt cho rằng đừng chỉ đi giải quyết chuyện đã xảy ra mà nên đặt câu hỏi ngày càng có nhiều biến động và sẽ có những vấn đề sức khỏe nào xảy ra không, nên tiên đoán trước.
Với đề án xây dựng không gian tôn vinh "Sinh viên 5 tốt" tại Nhà văn hóa Sinh viên TP, ý kiến góp ý nói cần tính đến phương án xây dựng "bản sao" trên không gian trực tuyến. Điều này sẽ thuận lợi hơn khi sinh viên muốn tìm kiếm thông tin mà không có cơ hội tham quan trực tiếp không gian này ngoài đời thực. Ngoài ra, hội sinh viên cần quan tâm các hoạt động, chương trình xây dựng sống xanh vì là trào lưu được nhiều sinh viên tích cực theo đuổi.
Bạn Quế Trân (Trường ĐH Luật TP.HCM) nói sinh viên trường mình gặp trục trặc việc xét chứng chỉ ngoại ngữ và đề xuất Hội Sinh viên TP có thể hỗ trợ, tạo trang web có các bài kiểm tra tiếng Anh hằng tháng theo chuẩn TP và chuẩn chứng chỉ quốc tế... giúp sinh viên kiểm tra trình độ ngoại ngữ. Đồng thời cần nhiều hoạt động giao lưu với sinh viên nước ngoài, vừa tạo môi trường rèn ngoại ngữ vừa thực hiện mục tiêu hội nhập cho sinh viên.
Hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp
Bạn Kiều Anh (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ sinh viên có nhiều ý tưởng khởi nghiệp mới mẻ nhưng việc cụ thể hóa ý tưởng vào thực tế lại rất thấp. Có nhiều lý giải cho việc này như thiếu kinh nghiệm, kiến thức quản lý, kiến thức luật, vốn đầu tư... dù cuộc thi khởi nghiệp các cấp khá nhiều.
"Trao xong giải thưởng khởi nghiệp liệu đã xong?", Kiều Anh đặt câu hỏi. Thực tế không nhiều dự án được "tiếp sức", rất hiếm hoi có sự đồng hành của các đơn vị sau cuộc thi mà chỉ dừng lại ở việc trao thưởng. "Tôi cho rằng không chỉ tổ chức cuộc thi mà rất cần tập trung quan tâm hiện thực hóa các ý tưởng nhiều hơn", Kiều Anh nói.
Kiều Anh phân tích cần có chương trình, giải pháp hiệu quả, đồng bộ hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp ở các trường. Nên bắt đầu từ các câu lạc bộ sinh viên giúp trang bị kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên. Đặc biệt, phải phối hợp xây dựng các sàn giao dịch ý tưởng, không gian khởi nghiệp, kết nối câu lạc bộ khởi nghiệp các trường với vườn ươm doanh nghiệp.
Đại diện Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật cho biết đơn vị này sẵn sàng phối hợp cùng Hội Sinh viên TP và các trường khác. Đó có thể là các hội thảo, đối thoại, tư vấn góp ý, hoàn thiện các ý tưởng cũng như việc đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các dự án khi tham gia các cuộc thi.
Nhiều cán bộ hội chủ chốt các trường quan tâm đề án hỗ trợ sinh viên tiếp cận các nguồn tín dụng phục vụ học tập giai đoạn 2023 - 2025. Các ý kiến nói bên cạnh tiếp cận các nguồn, quỹ tín dụng hỗ trợ học tập, việc giúp sinh viên biết về những rủi ro, cách phòng tránh để không rơi vào bẫy "tín dụng đen" là việc rất quan trọng và cần đến vai trò của tổ chức cũng như cán bộ Hội nhiều hơn.
Anh Bảo Duy (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng hệ thống chỉ tiêu nâng cao năng lực đối với sinh viên còn khá chung chung. Nếu không cụ thể chỉ tiêu này sẽ rất khó để hiểu rõ tiêu chí, nội dung các năng lực đang hướng tới và cần nâng cao cho sinh viên là gì.
Anh Duy nói cần xác định rõ các chương trình hành động, khung năng lực ứng với mỗi nội dung, tiêu chí cần đạt. "Đây là cách giúp sinh viên chủ động theo dõi, phấn đấu và tự đánh giá, nhận xét bản thân xem đã đạt hoặc chưa đạt ra sao. Hội sinh viên không nên là đơn vị đánh giá, xác định khung năng lực này", anh Duy bày tỏ.
Đây không phải là câu khẩu hiệu. Ấy là lời cam kết và khẳng định mà báo Tuổi Trẻ sau nhiều thảo luận đã chính thức chọn làm chủ đề cho chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023, khởi động từ hôm nay.