Chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc sụt giảm
Ngày 9/8, Chính phủ Trung Quốc công bố số liệu thống kê cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo chủ chốt của lạm phát, trong tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đi ngang trong tháng 6. Trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng giảm 4,4% trong cùng giai đoạn, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Giá sản xuất giảm đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đi xuống.
Sự giảm giá của CPI không phải là một thông tin tích cực bởi nó cho thấy sức tiêu dùng yếu trên thị trường ngay cả khi Trung Quốc đã mở cửa toàn diện kể từ sau đại dịch COVID-19.
Theo Bloomberg, trong tháng 7, người tiêu dùng Trung Quốc đã cắt giảm chi tiêu ở mọi lĩnh vực trừ du lịch và nhà hàng so với tháng 6.
Khách hàng chọn rau tại một siêu thị ở huyện Bình Ấp, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) vào ngày 10/7. Ảnh: Tân Hoa xã
Nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc và các tác động
Ngược với lạm phát là tình trạng giá hàng hóa tăng vọt thì giảm phát là tình trạng giá hàng hóa liên tục giảm. Nguyên nhân là bởi người tiêu dùng do lo ngại về triển vọng kinh tế đã thắt chặt hầu bao, cắt giảm chi tiêu, khiến hàng hóa không tiêu thụ được, qua đó làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Nền kinh tế Trung Quốc đã mở cửa toàn diện kể từ sau đại dịch COVID-19 nhưng giá hàng hóa không tăng mà còn giảm. Đây là một xu hướng cần quan tâm.
Nhà Thống kê trưởng Đổng Lợi Quyên - Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho rằng, CPI tháng 7 giảm - âm 0,3% là do nền so sánh cùng kỳ năm ngoái cao. Nó chỉ mang tính giai đoạn ngắn. Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng nếu so với CPI của tháng 6 thì CPI tháng 7 vẫn tăng - dương 0,2%, tức là chỉ số giá phục hồi dần dần.
Nhưng lần đầu tiên sau gần 3 năm cả chỉ số CPI và chỉ số giá nhà sản xuất PPI đều giảm càng làm tăng tính cấp thiết đối với các nhà hoạch định chính sách để thúc đẩy nhu cầu trong nước và hỗ trợ tăng trưởng. Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần một gói hỗ trợ toàn diện từ tài chính, miễn giảm thuế.
Nhà phân tích Châu Mậu Hoa từ Ngân hàng Quang Đại, Trung Quốc cho rằng, CPI - lạm phát giá âm không có nghĩa là Trung Quốc bị giảm phát. Dự báo giá tiêu dùng tăng vào mùa hè và một số giá thực phẩm bắt đầu tăng trở lại vào tháng 8 một phần do lũ lụt ở miền Bắc.
Còn chuyên gia Ôn Bân - Ngân hàng Dân Sinh, PPI sẽ tiến dần đến mở rộng sản xuất khi một gói các biện pháp kích thích toàn diện, mang tính chu kỳ được tung ra. Khi đó tăng nhu cầu tiêu dùng và CPI trở lại mức trung bình.
Ngược với lạm phát là tình trạng giá hàng hóa tăng vọt thì giảm phát là tình trạng giá hàng hóa liên tục giảm. Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Giảm phát mới chỉ là một nguy cơ với Trung Quốc, chưa phải là điều đã xảy ra. Nhưng với việc sức mua từ các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc cũng suy yếu, thể hiện qua việc kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 7 giảm tới 14,5%, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao, thị trường bất động sản trầm lắng, đang cho thấy các nguy cơ về việc nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ mất động lực tăng trưởng.
GDP quý II/2023 của Trung Quốc chỉ đạt 6,3%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 7,3%. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ du lịch nội địa - yếu tố mang tính thời điểm, trong khi bán lẻ và công nghiệp sản xuất - những trụ cột quan trọng của nền kinh tế lại liên tục giảm.
Theo các chuyên gia, áp lực giảm phát sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn từ 1 - 2 tháng. Bởi chu kỳ tăng giá mới hay "lạm phát vòng 2" đang được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nửa cuối năm nay trên toàn cầu. Gạo, thực phẩm và nhiên liệu là những mặt hàng chịu tác động nhiều nhất.
Ông Lưu Quốc Cường - Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết: "Kể từ đầu năm nay, mức chỉ số giá tiêu dùng CPI hàng năm đã liên tục dao động và có xu hướng giảm. Chỉ số này suy giảm trong tháng 7, chủ yếu là do nhu cầu phục hồi chậm và mức cơ sở so sánh cao của năm ngoái. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lượng tiền cung ứng ra thị trường vẫn duy trì đều đặn. Điều này rõ ràng khác với tình trạng giảm phát điển hình trong lịch sử. Vì vậy, chúng tôi cho rằng sẽ không có nguy cơ giảm phát trong nửa cuối năm 2023".
Thực tế cho thấy, các chính sách tháo gỡ khó khăn tại Trung Quốc tập trung vào cả bên phía cung và bên cầu đều chưa mang lại tác động lan toả, bởi niềm tin và khuynh hướng ưa thích rủi ro đầu tư của doanh nghiệp và người dân đều bị suy giảm nghiêm trọng. Hệ quả là liên tiếp các "cơn gió ngược" xuất hiện như suy giảm đầu tư, thất nghiệp thanh niên cao kỷ lục, thanh khoản thị trường bất động sản thấp…
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS) đánh giá: "Sự phục hồi chậm của Trung Quốc sẽ làm chậm sự phục hồi chung của tăng trưởng kinh tế toàn cầu và từ đấy sẽ tác động lan toả tới khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên việc tăng trưởng Trung Quốc chậm lại cũng sẽ khiến quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng diễn ra nhanh hơn. Đặc biệt những căng thẳng Mỹ - Trung sẽ khiến việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ cao và sử dụng nhiều vốn sang một nước thứ 3".
Trung Quốc đặt muc tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2023 là 5% - mức thấp nhất trong nhiều thập niên.
Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng
Rõ ràng là có những quan ngại về đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc, mà trước mắt là cần phải giải quyết bài toán tiêu dùng.
Chuyên gia Hùng Nguyên tại Công ty chứng khoán Quốc Sinh cho rằng, Trung Quốc sẽ tập trung vào việc thúc đẩy niềm tin thị trường, mở rộng nhu cầu trong nước, thúc đẩy tiêu dùng và ổn định lĩnh vực bất động sản.
Chuyên gia tài chính Lục Đình đến từ Nomura kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc từ nay đến cuối năm nay sẽ cắt giảm lãi suất 2 đợt nữa, mỗi đợt 10 điểm cơ bản, cũng như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 25 điểm cơ bản để bơm nhiều tiền ra nền kinh tế.
Sự hồi phục của thị trường tiêu dùng nội địa sẽ trở thành động lực cho Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Kỳ vọng từ các nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc cũng là những gì mà ngành chức năng Trung Quốc đang dự liệu. Bởi lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phát biểu mang tính chỉ đạo về nhanh chóng giảm lãi suất làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại cắt giảm lãi suất cho vay, bơm tiền ra cho các lĩnh vực trọng yếu đang gặp khó. Trong đó có bất động sản, ô tô điện; gia hạn hỗ trợ thuế cho người mua ô tô điện đến năm 2027.
Dạo quanh thị trường xe ô tô điện Trung Quốc, nhiều hãng nội địa bán 1 chiếc giá tầm 1 tỷ đồng thì khuyến mãi ngay tầm 100 triệu đồng. Hay bơm liều thuốc bổ trực tiếp vào doanh nghiệp nhỏ - vừa bằng miễn, giảm thuế VAT để doanh nghiệp có nguồn tiền đầu tư mở rộng sản xuất.
Từ giữa năm, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã có những giải pháp để kích cầu tiêu dùng nhưng chưa đủ. Nhưng để kéo nhanh tăng trưởng những tháng cuối năm, các chuyên gia đang chờ những gói, những giải pháp toàn diện, rộng hơn, trước mắt là chờ đợi giảm tiếp lãi suất trong thời gian gần.
Với các cụm giải pháp nêu trên, Trung Quốc kỳ vọng sẽ đảo ngược đà giảm tốc của lĩnh vực tiêu dùng và biến tiêu dùng trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế vào thời điểm xuất khẩu của nước này cũng đang liên tục sụt giảm. Sự hồi phục của thị trường tiêu dùng nội địa sẽ trở thành động lực cho Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
VTV.vn - Nhiều chuyên gia lo lắng nền kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ giảm phát cao, do nhiều tháng liền CPI xoay quanh 0% và tháng 7 âm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.74032455121803202-tahp-maig-hnart-ed-uac-hcik-couq-gnurt/et-hnik/nv.vtv