Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) được Trung Nam group đầu tư tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) với quy mô 341ha theo mô hình “thung lũng silicon” của Mỹ và tiêu chuẩn của một khu công nghệ thông tin tập trung mang tầm cỡ quốc tế đầu tiên tại Đà Nẵng, kỳ vọng là môi trường sống, môi trường làm việc lý tưởng cho 25.000 việc làm bao gồm các chuyên gia, kỹ sư cao cấp và công nhân.
Tuy nhiên, từ khi giai đoạn một với 131ha được đưa vào khai thác từ 2019 đến nay, dự án chỉ mới thu hút được 2 nhà đầu tư, trong đó có 1 đơn vị là công ty thành viên của Trung Nam group (Công ty TNEMS) và Công ty cổ phần 216 với tổng diện tích đã cho thuê của cả 2 đơn vị là 13,8ha/84ha (chiếm khoảng 16%).
Đại diện Trung Nam group thừa nhận, đến giữa năm 2023 tình hình thu hút đầu tư vào Danang IT Park vẫn chưa khả quan.
Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của Tập đoàn UAC đóng ở Khu công nghệ cao Đà Nẵng |
Ngay cạnh Danang IT Park, Khu công nghệ cao Đà Nẵng - 1 trong 3 khu công nghệ cao của cả nước thành lập vào năm 2010 với diện tích 1.128,4ha thuộc huyện Hòa Vang tình hình cũng không lạc quan hơn. Ông Vũ Quang Hùng - Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng - cho biết: Tính đến nay, Khu công nghệ cao đã thu hút được 29 dự án (16 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 7.024,78 tỉ đồng và 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 607,7 triệu USD).
Ngoài 2 khu trên, Đà Nẵng hiện nay có 6 khu công nghiệp như: Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Khánh... nhưng cũng hiếm có doanh nghiệp lớn nào đầu tư.
Khu công nghiệp Hòa Khánh có quy mô lớn nhất Đà Nẵng |
Chính quyền thành phố Đà Nẵng thừa nhận: Các dự án đăng ký trong các khu công nghiệp phần lớn quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động không cao. Các chỉ tiêu như doanh thu, giá trị đầu tư trên diện tích đất vẫn còn thấp so với bình quân cả nước. Đà Nẵng vẫn chưa có các doanh nghiệp lớn đủ tầm quốc gia đóng vai trò dẫn dắt công nghiệp địa phương như Thaco Trường Hải ở Quảng Nam hay Becamex Bình Dương.
Hầu hết các doanh nghiệp ở Đà Nẵng sử dụng máy móc cũ, lạc hậu, phương thức sản xuất lỗi thời, chậm đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu còn nặng về gia công, lắp ráp, chế biến thô. Liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và FDI chỉ mới dừng ở việc cung ứng bao bì, phụ kiện đơn giản. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp vào thuê đất ở khu công nghiệp chỉ để xẻ ra và cho thuê lại nhà xưởng.
Vị trí địa lý và diện tích được cho là hai trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư vào công nghiệp Đà Nẵng. Ngoài ra, 6 khu công nghiệp có diện tích hơn 1.000ha nhưng lại được quy hoạch rải rác quanh thành phố, chưa gắn kết mật thiết với các đầu mối giao thông quan trọng như sân bay, cảng biển, đường sắt và đường bộ quốc gia; thậm chí nhiều khu công nghiệp có diện tích rất nhỏ (Khu công nghiệp Đà Nẵng 50,1ha, Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản 50,6ha) đã khiến tính liên kết của chuỗi sản xuất bị triệt tiêu.
Đà Nẵng vẫn chưa có các doanh nghiệp lớn đủ tầm quốc gia đóng vai trò dẫn dắt công nghiệp địa phương |
Theo ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Đà Nẵng sẽ vẫn kiên trì chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Mục tiêu của Đà Nẵng là sẽ thu hút các "đại bàng", các tập đoàn lớn, sử dụng công nghệ cao đầu tư vào thành phố, nộp ngân sách lớn.
Lê Đình Dũng