Ở đó, ngoài các công trình kiến trúc nổi tiếng, còn có những quầy sách nhỏ màu xanh lá thẫm bày bán nhiều loại sách, tạp chí, bản đồ, tem thư cũ...
Những "tiệm sách sông Seine" đã có lịch sử hơn 400 năm và vào năm 1991 đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới cùng với quần thể cảnh quan hai bên sông.
Tuy nhiên ngày 10-7 vừa qua, chính quyền Paris đã ra yêu cầu di dời các quầy sách trong dịp diễn ra Olympic mùa hè năm 2024 vì lý do an ninh cho buổi khai mạc trên sông Seine và cho các hoạt động của Thế vận hội.
Quyết định này đã vấp phải sự phản đối không chỉ của các chủ quầy sách mà còn của nhiều người Paris và du khách vì một số lý do.
"Sẽ không còn là Paris nữa..."
Những hiệu sách này được trân trọng như một phần của lịch sử Paris. Quả vậy, khởi đầu từ những quầy sách rong trên cầu Pont Neuf vào đầu thế kỷ 17, dưới thời vua Henri IV, những hiệu sách này đã cùng trải qua nhiều biến động lịch sử của "kinh đô ánh sáng".
Trong suốt thế kỷ 17 đến nửa đầu thế kỷ 18, những người bán sách cũ đã nhiều lần bị cấm nhưng rồi họ vẫn tồn tại và lại được phép bán hàng trở lại.
Đến thời cách mạng tư sản Pháp, cùng với sự phát triển của tư tưởng cách mạng cấp tiến, các quầy sách đặc biệt phát triển. Năm 1798, từ "bouquiniste" (người bán sách cũ) đã được đưa vào từ điển của Viện hàn lâm Pháp.
Năm 1859, Paris đã quy hoạch hai bên kè sông Seine, dành chỗ chính thức cho những quầy sách cũ như hiện nay. Thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, một số quầy sách cũ còn trở thành hòm thư liên lạc bí mật phục vụ quân đồng minh.
Cho đến nay, hơn 250 quầy sách nằm dọc 3km kè sông Seine với 900 hộp sách gồm khoảng 500.000 cuốn dường như đã là một phần không thể thiếu của cảnh quan nơi đây.
Khu vực này trở thành điểm giao lưu văn hóa, tìm kiếm và trao đổi tri thức quen thuộc với người dân Paris. "Paris không có các hiệu sách bên bờ sông Seine sẽ không còn là Paris" - bà Catherine Bechereau, một người sống ở ngoại ô Paris, bình luận.
Cùng quan điểm đó, ông Agné Hindry, một cư dân Paris, cho rằng: "Những quầy sách bên sông Seine không thể tách rời khỏi cuộc sống của người Paris. Đóng cửa chúng là phá vỡ linh hồn của thành phố". Còn bà Marié, một người đã trải qua gần như cả cuộc đời bên các quầy sách, cho rằng "việc di dời các quầy sách với Paris cũng giống như di dời tháp Eiffel vậy!".
Mỗi hộp sách màu xanh giống như một nốt nhạc trầm lắng, hòa tấu vào bản nhạc trầm bổng của cảnh quan hai bên sông, tạo thành một nét đặc sắc rất riêng chỉ có ở Paris.
Những hộp sách dọc sông Seine vừa là kệ trưng bày, vừa là hộp đựng và bảo quản sách khi đóng cửa hàng. Chúng được làm theo một quy cách rất chặt chẽ. Theo quy định có từ năm 1993, mỗi quầy sách trải dài tối đa 8,6m gồm 4 thùng sách, mỗi thùng dài 2m, rộng 75cm, mặt sau thùng sắt phía sát sông cao 60cm, mặt trước cao 35cm. Tất cả các thùng đều bằng kim loại, sơn màu xanh lá thẫm và gắn cố định vào thành bờ kè.
Bởi vậy, ông Alain Markey, một du khách từ miền bắc nước Pháp, cảm thán: "Tôi không hiểu sao họ lại quyết định đóng quầy sách trong dịp Olympic, thật tiếc cho du khách nếu bị lỡ một trải nghiệm thú vị là đi dạo dọc những quầy sách này để hiểu hơn về lịch sử và văn hóa Paris!".
Ông Olivier, một chủ quầy sách đã có thâm niên làm việc ở đây hơn 40 năm, lo lắng: "Những hộp đựng sách này có đến một trăm năm rồi, nó rất yếu, và việc di dời chắc chắn sẽ làm hư hại chúng". Đây cũng là nỗi lo chung của các chủ tiệm khác.
Để trấn an họ, chính quyền Paris đã đề xuất phương án tài chính cho việc di dời và lắp đặt lại các hộp sách, đồng thời sẽ thanh toán cho mọi chi phí phát sinh hư hao trong quá trình thực hiện. Nhưng điều này có vẻ chưa thực sự làm yên lòng những người đã gắn bó với các hộp sách màu xanh gần như cả đời, thậm chí có những gia đình nhiều thế hệ tiếp nối công việc này. Ông Jeróme Callais, chủ tịch Hiệp hội Những người bán sách ở Paris, lo lắng về tính khả thi của kế hoạch và ước tính việc cải tạo có thể tiêu tốn khoảng 1,5 triệu euro.
Ảnh hưởng lớn tới kinh doanh
"Các quầy sách này là linh hồn của Paris và cũng là nơi giúp chúng tôi kiếm tiền mua bánh mì!" - anh Johan, một chủ tiệm sách từ năm 2008, cho biết.
Trong khoảng 20 năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và Internet, việc tìm mua sách trực tiếp ở quầy cũng như thói quen đọc sách in đã giảm mạnh. Việc này chính là thách thức cho doanh số bán hàng của các quầy sách cũ.
Thêm vào đó, sau hai năm phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19, các quầy sách dọc sông Seine chỉ mới dần khôi phục hoạt động kinh doanh, nhưng lượng du khách trở lại sau dịch chưa nhiều, thu nhập từ bán sách còn hạn chế.
Ước tính trong dịp Olympic, Paris sẽ đón 1,6 triệu lượt du khách. Con số này có thể là một luồng gió mới cho các hoạt động du lịch, dịch vụ của thành phố.
Đây cũng là niềm hy vọng cho các chủ quầy sách để cải thiện tình hình kinh doanh ảm đạm hiện nay. Thế nên việc đóng cửa quầy sách cũng giống như dập tắt hy vọng của họ.
Chưa kể, vì việc tháo dỡ và tái lắp đặt sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian, nên có thể họ cũng sẽ mất đi cơ hội kiếm sống trong nhiều tháng.
Bà Marié, chủ quầy sách gần Tòa thị chính Paris, nói: "Đây là công việc của tôi trong hơn 30 năm nay, nhưng họ nói đóng cửa, di dời mà không hề có sự đền bù nào cả!". Thiếu cơ chế đền bù thỏa đáng cũng là một lý do quan trọng mà chính sách di dời của thành phố bị phản đối.
Quyết định cuối cùng còn để ngỏ
Hiệp hội Những người bán sách Paris đã gửi thư kiến nghị lên thành phố, kêu gọi bảo vệ những quầy sách bên sông. Chỉ trong vài ngày, lời kêu gọi đã thu được hơn 65.500 chữ ký ủng hộ.
Để trấn an dư luận và tỏ rõ thiện chí, hôm 27-7 chính quyền Paris đã phát thông báo công nhận các hộp sách "đã tạo nên một phần bản sắc của hai bờ sông Seine".
Theo ông Olivier, tháng 12 tới, Hiệp hội Những người bán sách Paris sẽ tiếp tục có buổi thảo luận với chính quyền để tìm giải pháp tối ưu, vừa đảm bảo an ninh cho Thế vận hội vừa đảm bảo quyền lợi của chủ quầy sách và khách tham quan. Dù vậy, ông cũng khẳng định khi chính quyền đã quyết thì các chủ quầy sách sẽ thực hiện theo.
Những quầy sách này vốn là nét văn hóa độc đáo của Pháp từ hơn 4 thế kỷ qua và đã được UNESCO công nhận. Việc di dời đang gây ra nhiều tranh cãi.