Ngày 14-8, tờ The Nation dẫn lời phó phát ngôn Treechada Srithada của Pheu Thai xác nhận ý định của đảng là ban hành hiến pháp mới cho Thái Lan để thay thế hiến pháp năm 2017, vốn duy trì quyền lực của quân đội sau cuộc đảo chính năm 2014.
"Đảng của chúng tôi sẽ giữ lời và không câu giờ vì chúng tôi biết rằng những cử tri muốn dân chủ đang chờ đợi điều này.
Việc duy trì quyền lực của quân đội phải chấm dứt. Vì vậy, chúng tôi muốn mời tất cả các bạn viết nên một chương mới trong lịch sử Thái Lan [bằng cách bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân]", bà Treechada nói.
Đảng Pheu Thai cho biết trước đó họ đã bắt tay cùng Đảng Tiến bước (MFP) để lập một hội đồng soạn thảo hiến pháp mới và cắt bớt quyền lực của Thượng viện thân quân đội. Tuy nhiên nỗ lực này đã bị chặn vì Thượng viện quá quyền lực.
MFP và Pheu Thai là hai đảng dẫn đầu trong cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan vào tháng 5-2023. Ứng viên Pita Limjaroenrat của MFP không vượt qua hai vòng bỏ phiếu tại Quốc hội để trở thành thủ tướng do đảng này kiên quyết với chính sách sửa điều luật chống khi quân. Pheu Thai sau đó nắm cơ hội thành lập thủ tướng mới.
Cũng trong ngày 14-8, Pheu Thai xác nhận sẽ đề cử ứng viên Sretha Thavisin vào ghế thủ tướng.
Ông Prasert Chanthararuangthong, tổng thư ký của Pheu Thai, khẳng định ông Sretha đã có đủ sự ủng hộ để trở thành lãnh đạo mới của Thái Lan. Theo ông Prasert, ứng viên của đảng này hiện đã có 270 phiếu ủng hộ ở Hạ viện và nhiều phiếu ở Thượng viện.
"Tôi tự tin ông Sretha sẽ được bầu ngay", ông Prasert nói. Theo hiến pháp, ứng viên thủ tướng Thái Lan phải nhận được hơn một nửa phiếu bầu tại Quốc hội, gồm 500 thành viên Hạ viện và 250 thành viên Thượng viện.
Theo báo Bangkok Post, Quốc hội Thái Lan có thể tổ chức bỏ phiếu vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau.
Giới quan sát đang chờ xem liệu Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) có thể phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay không khi gần ba tháng đã trôi qua kể từ ngày tổng tuyển cử, Thái Lan vẫn chưa có thủ tướng mới.