Ngoài bị cáo Phạm Thị Hằng, các bị cáo cùng bị truy tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 3, điều 222, Bộ luật Hình sự gồm: Lê Văn Cương - cựu trưởng phòng kế hoạch tài chính; Trịnh Hữu Nghĩa - cựu trưởng phòng kế hoạch tài chính;
Nguyễn Văn Phụng - cựu phó trưởng phòng kế hoạch tài chính; Bùi Trí Thức - cựu chuyên viên phòng kế hoạch tài chính, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa.
Nguyễn Quốc Việt - cựu thẩm định viên Công ty cổ phần thẩm định giá BTC Value; Lê Thế Sơn - cựu giám đốc Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa; Vũ Thị Ninh - cựu kế toán trưởng Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa; Hồ Thị Sáu - cựu giám đốc khối thẩm định thuộc Công ty cổ phần thẩm định giá BTC Value.
Theo cáo trạng vụ án, trong thời gian giữ chức giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, đặc biệt là giai đoạn 2019 - 2021, bà Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền thông đồng với Công ty cổ phần thẩm định giá BTC Value và nhà thầu là Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa, để thực hiện nhiều hành vi vi phạm quy định của Luật Đấu thầu đối với hai gói thầu.
Ngày 16-4-2020, bà Phạm Thị Hằng đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa (địa chỉ tại TP Thanh Hóa), và Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Đạo (địa chỉ tại Hà Nội) thực hiện gói "Mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020 - 2021 cho các trường vùng đặc biệt khó khăn và vận chuyển, lắp đặt thiết bị" (gọi tắt là gói thầu số 1).
Tổng giá trị gói thầu nêu trên là hơn 32,6 tỉ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa thực hiện 38,5% (tương đương hơn 12,5 tỉ đồng). Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Đạo thực hiện 61,5% (tương đương hơn 20 tỉ đồng).
Cũng trong năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa làm chủ đầu tư gói thầu "Mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới năm học 2020 - 2021, vận chuyển, lắp đặt thiết bị". Giá trị gói thầu là gần 87 tỉ đồng (gọi tắt là gói thầu số 2).
Trong gói thầu này, có bốn công ty trúng thầu (hình thức liên danh), gồm: Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa, Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Đạo, Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Khang An, Công ty TNHH thiết bị giáo dục Nam Hoa và Công ty cổ phần thiết bị giáo dục - khoa học kỹ thuật Long Thành.
Kết quả điều tra xác định, tại gói thầu số 1 giá trị thực tế là 24,9 tỉ đồng, nhưng các bị cáo đã phối hợp với nhau nâng khống lên 32,6 tỉ đồng (chênh lệch 7,6 tỉ đồng).
Tại gói thầu số 2, giá trị thẩm định thực tế là 73,7 tỉ đồng, nhưng các bị cáo đã nâng lên gần 87 tỉ đồng (chênh lệch hơn 13,2 tỉ đồng).
Tổng giá trị hai gói thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa làm chủ đầu tư đã nâng khống, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 20,8 tỉ đồng.
Được biết, bà Phạm Thị Hằng từng giữ chức giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa từ năm 2012 đến tháng 11-2020. Từ tháng 12-2020, bà Hằng giữ chức phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Bà Hằng bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam tháng 7-2021, khi đang giữ chức phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.
Theo hội đồng xét xử, tại phiên tòa sơ thẩm, hầu hết các bị cáo đều có luật sư bào chữa. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng có mặt tại phiên tòa.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16-8.
Viện kiểm sát kết luận cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cùng hai thuộc cấp có hành vi nhận hối lộ lặp đi lặp lại nhiều lần để “thông thầu” với doanh nghiệp, tổng số tiền lên đến 30 tỉ đồng.