Hiện nay, có nhiều tranh cãi về khái niệm hàng hóa thiết yếu - nội dung từng được đề cập trong nhiều chương trình Báo chí toàn cảnh, khi tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa giữa các địa phương ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Trừ hàng cấm, tất cả đều được lưu thông
Theo phản ánh của tờ Nông nghiệp Việt Nam, tại cuộc họp trực tuyến về lưu thông hàng hóa diễn ra trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo: "Từ nay tất cả hàng hóa đều là hàng hóa thiết yếu dù phục vụ sinh hoạt hay sản xuất cũng như nhau, chỉ trừ hàng cấm".
Tài xế làm thủ tục tại chốt kiểm soát trong Bến xe Trung tâm TP Cần Thơ ngày 27/8. (Ảnh: TTXVN)
Người dân rất vui mừng khi hàng hóa không bị hạn chế do các quy định về "thiết yếu". Tờ Lao động bình luận: "Dù muộn vẫn còn hơn không. Không thể có những "nút thắt cổ chai" cản trở sản xuất, lưu thông".
Nhiều tờ báo cùng dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: "Mọi tuyến đường cần phải là luồng xanh, dù cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ hay đường thôn, xã không phân biệt". Thế nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Đừng để hàng hóa bị chôn chân
Theo báo chí phản ánh, nhiều địa phương vẫn tìm cách dựng lên những hàng rào kiểm soát bằng các loại thủ tục, giấy tờ và cả những thao tác thừa, gây khó doanh nghiệp và người dân.
Mới đây nhất, Cần Thơ là ví dụ trong việc làm khó. Hàng trăm xe tải, xe container… phải xếp hàng dài để chờ kiểm tra giấy tờ sau khi Cần Thơ ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải phải đăng ký trước với Sở Công Rhương mới được chuyển hàng vào trung tâm thành phố, thông tin trên báo Giao thông.
Dù phương tiện đã có giấy nhận diện mã QR Code, người trên xe có giấy xét nghiệm âm tính, nhưng những địa phương này vẫn không cho đi vào. Những hàng rào như vậy được dựng lên trên nhiều nẻo đường và xét nét từng mặt hàng khiến phương tiện vận chuyển bị ùn ứ, tắc nghẽn, kéo theo nhiều hệ lụy, báo Tiền phong nhận định.
Xe tải, xe container xếp hàng chờ kiểm tra giấy tờ để vào thành phố Cần Thơ giao nhận hàng ngày 27/8. (Ảnh: TTXVN)
Giãn cách xã hội và quản lý chặt việc đi lại, tiếp xúc của người dân để chặn đứng dịch bệnh lây lan là cần thiết. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc dựng lên những hàng rào thủ tục để cản trở lưu thông hàng hóa.
Các hiệp hội cầu cứu Thủ tướng về giấy đi đường
Trong tuần này, Các Hiệp hội ngành hàng gồm: Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Hiệp hội Gỗ Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành sớm có hướng dẫn cụ thể về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Báo Tuổi trẻ thông tin, theo các Hiệp hội ngành hàng, các quy định về cấp giấy đi đường trong thời gian giãn cách nâng cao đã và đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - xuất khẩu, gây đình trệ, tổn thất lớn về chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng, nguy cơ bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế...
VTV.vn - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh đây không phải là thủ tục xin phép, không phải là thủ tục hành chính cũng không phải là giấy phép con.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.62655930192801202-nahc-nohc-ib-aoh-gnah-ed-gnud-ial-id-taos-meik-tahc-teis/et-hnik/nv.vtv