Chiều 15/8, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp cụ thể gì để Việt Nam sử dụng đủ muối dùng, không phải nhập khẩu và để diêm dân có thể sống bằng nghề của mình?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ luôn bám sát theo xu thế phân cấp, phân quyền, tăng cường năng lực cho đội ngũ lãnh đạo địa phương.
Một quy trình xin vùng biển để thực hiện nuôi trồng phải làm việc với nhiều bộ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ rà soát lại toàn bộ vấn đề này để thực hiện cải cách các thủ tục hành chính như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, đảm bảo đơn giản hóa đồng thời vẫn đáp ứng được các yêu cầu về an ninh quốc phòng, môi trường, cảnh quan, mật độ nuôi trồng.
Sau phần trả lời, ĐBQH Nguyễn Anh Trí xin tranh luận với Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Theo đó, đại biểu Trí đặt vấn đề, hiện nay nhu cầu sử dụng muối của Việt Nam khoảng 1,5 – 1,6 triệu tấn/năm. Mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối với trị giá hàng tỷ USD để đáp ứng nhu cầu trong nước.
"Một đất nước có biển như thế này, nắng như thế này, kinh nghiệm của nhân dân làm muối như thế này, mà vẫn phải nhập khẩu muối, tôi cảm thấy rất đau lòng", ông Trí bày tỏ.
Từ đó, đại biểu đoàn Hà Nội chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về những giải pháp cụ thể để Việt Nam sử dụng đủ muối dùng, không phải nhập khẩu và để diêm dân có thể sống bằng nghề của mình. Đại biểu cũng mong rằng Thủ tướng Chính phủ có biện pháp giúp đỡ diêm dân nâng cao sản lượng, chất lượng sản xuất muối, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đang xây dựng chuỗi logistic ngành muối để đảm bảo phát triển ngành muối hiệu quả hơn.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Hiện nay, nghề muối truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, diện tích trồng muối đang thu hẹp, đời sống người dân làm muối chưa đảm bảo".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho ngành này, chuyển đổi từ tư duy sản xuất muối sang tư duy xây dựng nền kinh tế muối, đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm
Hiện Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đang xây dựng các kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện theo phương hướng. Nhiều doanh nghiệp đang góp phần tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho ngành này nhằm tạo cuộc sống ổn định cho diêm dân và ngành muối.
Về câu hỏi tại sao ngành muối có tiềm năng vẫn phải nhập khẩu muối, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực hiện cơ chế thị trường, giống như ngành than có tiềm năng nhưng vẫn phải nhập khẩu.
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sẽ nghiên cứu có giải pháp công nghệ để muối đáp ứng ngành công nghiệp và có giá trị hơn.
Vị trí dẫn đầu trong ngành điều đang bị lung lay
Trong khi đó tai phần chất vấn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, trồng và sản xuất hạt điều là một trong những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trồng và sản xuất điều lớn trong nước hiện đang có xu hướng tăng nhập khẩu. Vị trí dẫn đầu trong ngành điều của nước ta trên thế giới đang bị lung lay cũng như thương hiệu điều Việt Nam đang bị ảnh hưởng.
Đại biểu Sang đề nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ những giải pháp để ngành điều nước ta phát triển bền vững trong thời gian tới?
Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước)
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn bày tỏ "rất bất ngờ" khi đến thăm một vườn điều và thấy thu nhập bà con trồng điều 40 triệu đồng/năm.
"Tôi cứ nghĩ trồng ở ĐBSCL lúa thấp nhất nhưng thu nhập trồng điều thấp hơn nữa, tôi rất nhiều cảm xúc", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và thừa nhận có tình trạng nhiều người trồng điều chuyển sang trồng sầu riêng.
Nhắc đến mong muốn Bình Phước là thủ phủ của điều và Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới về điều, nhưng nay, Bộ trưởng Lê Minh nói mọi chuyện đã thay đổi.
Ông cho biết trước kia ta nhập điều thô từ các quốc gia Tây Phi, nhưng các quốc gia bắt đầu tăng cường chế biến, hạn chế xuất khẩu điều thô. Còn ở Việt Nam, điều sản xuất trong nước để chế biến, xuất khẩu chỉ khoảng 20-30%.
"Chúng ta phải tái cấu trúc ngành hàng điều, từ chuỗi người nông dân trồng điều đến các hiệp hội phải ngồi lại với nhau", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ông Hoan cho hay Bộ đang thí điểm trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều ở Bình Phước, tích hợp đa giá trị trên một mảnh đất. Chỉ khi ấy người nông dân bằng thu nhập khác mới có thể giữ cây điều.
Vấn đề liên quan tới thu nhập của người dân sống dưới tán rừng, dự kiến tháng 9 trình Thủ tướng Đề án phát triển đa dụng dưới tán rừng, xem điều như một dạng rừng, làm sao tạo sinh kế nhiều hơn. "Chúng ta sẽ làm được nếu chúng ta thích ứng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!